Chăm sóc cây là một trong những việc làm hàng ngày được học sinh Trường TH Hương Lâm tự giác làm

Đến Trường TH Hương Lâm vào đầu giờ buổi sáng, dù giáo viên chưa đến đủ, nhưng không khí rất nhộn nhịp. Những cô, cậu học trò từ 6 - 7 tuổi đến 11, 12 tuổi tham gia tưới nước, nhặt rác, quyét nhà, chùi bảng…; vài em còn nhặt bớt lá vàng, sửa lại những cành cây trong chậu cảnh mọc sai hướng.

Thấy có người lạ quan sát, Trần Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 3/1 giải thích: “Thầy tổng phụ trách dặn chúng cháu thấy cỏ, lá vàng trên cây hay rác vương vãi không đúng chỗ thì nhặt là làm được việc tốt rồi”.

Thầy giáo Trần Nhật Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, được sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) huyện Phong Điền, dựa vào lợi thế của địa phương về quỹ đất và cây xanh, nhà trường đã lồng ghép công tác việc xây dựng cảnh quan trong trường học  với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”.

Khó khăn ban đầu là sự phản đối của một số phụ huynh vì sợ con em họ phải lao động quá sớm, thậm chí có người đưa ý kiến được góp tiền thuê người làm. Để thuyết phục phụ huynh, bên cạnh việc giải thích về lợi ích khi học sinh được tiếp xúc với công việc, toàn thể cán bộ, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường hàng ngày cùng làm việc với học sinh. Cùng với đó, nhà trường chú ý phân công công việc phù hợp với từng lứa tuổi, học sinh khối lớp 1 và 2 làm những việc nhẹ như quét nhà, nhặt rác; từ khối 3 trở lên thì tưới nước, tập trồng hoa, trồng cỏ…

Khi mới bắt đầu thực hiện, nhiều học sinh tỏ ra gượng ép, nhưng tiếp xúc với công việc rồi các em không chỉ nhận ra công việc không khó khăn mà qua đó hiểu biết về những lợi ích của cây xanh như cung cấp oxy, cản trở sự phát tán của bụi bặm… nên ngày càng hăng hái. Nguyễn Thị Như Ngọc, học sinh lớp 5/2, hào hứng: “Con thích nhất là khi cây đâm chồi và ra hoa, cứ như con đạt được điểm mười”; còn Nguyễn Đặng Bảo Linh, học sinh lớp 4/1, thì: “Nghe lời cô giáo chủ nhiệm, bạn mô thấy rác cũng nhặt bỏ vô thùng nên lớp học, hành lang và sân trường khi mô cũng sạch”.

 Ông Trần Thanh Nam, ở thôn Vinh Hương, phụ huynh em Trần Thị Phương Trinh, học sinh lớp 5/1, tâm sự: “Trước đây, ở nhà con tôi dành nhiều thời gian xem ti vi và chơi game... Từ ngày tham gia trồng cây với các bạn, về nhà cháu không chỉ giúp ba mẹ tưới cây, nhổ cỏ, quyét  nhà mà còn tự sắp đặt phòng học…Điều này giúp chúng tôi có cách nhìn khác hơn trong việc giáo dục con trẻ”.

Để khuyến khích học sinh, hàng tuần, những cá nhân và tập thể làm tốt được ban giám hiệu biểu dương dưới cờ và có phần thưởng vào cuối mỗi năm học. Ngoài 14 bồn cây tỏa bóng mát như bằng lăng, phượng, bàng được trồng giữa sân trường, trong sân trường, trên lan can còn có hơn trăm bồn, chậu trồng các loại hoa và cây cảnh nhiều sắc màu, như: đồng tiền, sống đời, chuỗi ngọc, môn tây, mười giờ, phong lan, bát tiên…

Thầy tổng phụ trách Nguyễn Đại Dũng cho biết: “Nhà trường chỉ mua chậu, còn cây cối đều do phụ huynh hỗ trợ, nhà có cây gì chỉ cần chiết vài nhánh đóng góp rồi thầy trò cùng tự nhân giống”.

Không chỉ góp cây, trong các buổi lao động, nhiều phụ huynh đến trường giúp trồng cây, dọn sân cùng giáo viên và học sinh giúp cho mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng gắn kết.

Cô giáo Nguyễn Thanh Tâm, Phó phòng GD&ĐT huyện Phong Điền nhận xét: “Mô hình xây dựng cảnh quan trong trường học góp phần không nhỏ giúp Trường TH Hương Lâm giành nhiều giải trong các cuộc giao lưu về xây dựng kỹ năng sống cho học sinh và được phòng chọm làm địa điểm tổ chức các hội thảo, tập huấn để đội ngũ cán bộ quản lý của các trường tiểu học khác trên địa bàn tham dự và học tập".

Cô Nguyễn Thanh Tâm còn thông tin, Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền đang xem xét nhân rộng mô hình này ở một số trường phù hợp để tạo cảnh quan, môi trường học đường thân thiện, qua đó nâng cao kỹ năng sống, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho các em học sinh.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN