Theo đánh giá của PGS.TS Trần Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế, các vùng ở cửa phá thông ra biển như thị trấn Thuận An, Hải Dương (cửa Thuận An), Lộc Bình, Vinh Hiền, Vinh Giang (cửa Tư Hiền); vùng cửa sông với đầm phá và vùng thấp trũng ven đầm phá đang chịu tổn thương về điều kiện tự nhiên do nằm ở đầu sóng ngọn gió, địa hình thấp, dễ bị ngập, sạt lở. Những vùng này dễ bị ngọt hoá, ô nhiễm từ các nguồn thải đổ về nên không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái bãi triều, bãi cỏ, chim; các loài lưỡng thê như ếch, nhái, rắn... đang ngày càng cạn kiệt mà ảnh hưởng đến nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở đầm phá Cầu Hai đã chủ động đầu tư áp dụng quy trình nuôi tốt, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường

Trong quá trình đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai trên phạm vi 20 xã của 5 huyện, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế đã đưa ra nhóm giải pháp về chuỗi giá trị hay chuỗi thị trường NTTS quy mô hộ và nhóm hộ thuận theo tự nhiên, thân thiện môi trường, cũng như thực hiện quy hoạch, tăng sức chống chịu của hệ sinh thái, hỗ trợ chính sách và huy động vốn để NTTS bền vững.

Giải pháp hỗ trợ theo chuỗi giá trị tập trung từ khâu giống, sản xuất đến khâu thị trường cho người NTTS. Trong khâu giống tập trung hỗ trợ các trại giống tăng quy mô, tạo ra các nguồn giống có khả năng chống chịu môi trường thay đổi, phát triển năng lực nhân giống thủy sản bản địa, có giá trị thương mại và có đủ năng lực cung ứng theo vụ. Khâu sản xuất cần định hướng NTTS thân thiện môi trường như áp dụng kỹ thuật, biện pháp tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn nước, đa dạng hóa đối tượng nuôi và NTTS thuận theo tự nhiên.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân vùng đầm phá đã chủ động tận dụng những kinh nghiệm và “dung hòa” với điều kiện tự nhiên để thích ứng, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đánh bắt, NTTS. Trong đó chú trọng cải cách hình thức nuôi như xen ghép tôm, cua, cá thay cho nuôi thâm canh và độc canh một loài, nuôi cá vượt lũ, chọn nuôi giống loài thủy sản có khả năng thay đổi sinh trưởng như cá đối mục, ong... Những mô hình này được một số địa phương vùng ven đầm phá như Hải Dương, Hương Phong (Hương Trà), Phú An, Vinh Phú (Phú Vang), Vinh Mỹ (Phú Lộc) áp dụng đã mang lại hiệu quả cho người nuôi. Kết nối, ổn định thị trường; nhất là hỗ trợ cho khâu trung gian- “thương lái” cũng rất quan trọng vì tác động đến việc đảm bảo sinh kế cho những người đánh bắt, NTTS.

Bên cạnh phát huy mặt lợi, “nương” theo BĐKH, giải pháp giảm phát thải, quản lý nguồn thải, thu gom, xử lý rác thải còn là yêu cầu cần thiết để ứng phó, giảm nhẹ tác động của BĐKH. Liên quan đến hoạt động giảm phát thải, mỗi địa phương cần kêu gọi và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương làm “đầu tàu kéo” để xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải dọc các tuyến đầm phá. Vì khu vực này được xem là vùng có lượng rác thải phát sinh lớn, lưu cữu từ rất lâu và khó thu gom, vận chuyển nhất do địa bàn trải rộng, nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông thiếu thuận lợi. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án tái chế chất thải rắn thành vật liệu xây dựng, vật liệu làm đê kè ao NTTS; xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón cho canh tác ven đầm phá.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên