“Thương mà nấu”, cao hơn tất cả các kỹ thuật. Bởi lẽ người phụ nữ Huế đã dùng cái tình của mình mà chăm sóc cho bữa ăn gia đình, cho từng mỗi món ăn. Ca dao Huế có câu nói về một món ăn mà người vợ Huế nấu vì thương rất rõ ràng, đó là: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”. Chắc chắn đó là những món ăn ngon, lành và dân dã, không phải là món cao lương mỹ vị.

Chè hạt sen bọc nhãn lồng. Ảnh: Internet

Khi tiếp một người bạn ở xa về Huế chơi, chúng tôi đã mời bạn món chè hạt sen Huế. Câu chuyện vui trong lúc thưởng thức hương vị chè hạt sen hồ Tịnh, tôi đọc câu ca dao trên cho bạn nghe và bạn bật ra một ý, thôi để mình đặt chè hạt sen là “chè thương chồng” đi. Đó là một cái tên thật hay chứ nhỉ!

Và đâu phải chỉ có người phụ nữ Huế mới nấu được món chè “thương chồng” bởi lẽ sen được trồng ở khắp các miền quê. Ở đâu có ao hồ là ở đó có sen. Sen bình dị, sen hiền lành và tỏa hương thơm ngát như tấm lòng của những người vợ Việt Nam. Cho nên nói như bạn tôi, cái tên “chè thương chồng” chắc không ai phản đối.

Tháng bảy âm lịch về cũng là thời gian vào cuối mùa sen Huế. Nhưng vào thời điểm này, Huế cũng vào mùa nhãn lồng, cho nên món chè hạt sen bọc nhãn lồng cũng là một món chè thương chồng mà nấu của người phụ nữ Huế nhưng có tăng thêm độ cầu kỳ.

Đối với món chè hột sen bọc nhãn lồng thì câu này có lẽ đúng đến… hai lần. Bởi lẽ vì thương nên người phụ nữ Huế không nề hà mệt nhọc, công kỹ từ đoạn chọn mua hột sen, chọn mua cho được nhãn lồng vùng Thành Nội, rồi mua cho được đường phèn để nấu. Giai đoạn chế biến là cả một quá trình tỉ mẩn. Hạt sen tươi bóc vỏ, lấy cho hết phần tim sen để khỏi bị đắng. Sau đó đem hột sen hấp chín. Nhãn lồng lột vỏ, dùng dao nhíp (loại dao có mũi nhọn của các mệ ngày xưa thường dùng để bổ cau ăn trầu) khéo léo tách lấy hạt làm sao cho cơm nhãn không bị tách làm đôi, có như thế khi bỏ hột sen vào mới đẹp. Nước đường phèn nấu sôi lên rồi mới cho hạt sen đã bọc nhãn lồng vào. Vì thế khi múc chè ra chén, những hạt sen với sắc màu vàng mơ đặc biệt càng làm tăng thêm vẻ thanh cao của món chè.

Có người bảo “con đường ngắn nhất để chinh phục người đàn ông là ẩm thực”. Tôi nghĩ, đó chỉ là câu nói có ý đùa chơi, không hoàn toàn đúng. Vẫn biết cái sự ăn là một nhu cầu của cuộc sống, ai cũng phải ăn để mà sống. Nhưng ăn uống- ẩm thực cũng là một nghệ thuật. Không hợp gu, không hợp khẩu vị, không chân thành thì đâu dễ gì người khác chấp nhận món ăn của mình. Chinh phục người đàn ông bằng con đường “dạ dày” thì nên hiểu dạ dày ở đây là tấm lòng hơn là nơi chứa đựng thức ăn. Qua món ăn mà bạn nấu, người đàn ông của bạn đã hiểu được phần nào về tâm hồn, tính cách của bạn rồi đó. Và người ấy sẽ nhận ra anh ta có tìm thấy sự hòa hợp với bạn không. Cho nên không nên nghĩ đơn giản, con đường ẩm thực là con đường ngắn nhất để chinh phục đàn ông.

Trở lại với món “chè thương chồng” mà bạn tôi đặt tên, ai cũng có thể nấu những món ăn đầy tình thương cho người thân của mình: cha, mẹ, anh em, vợ , chồng, con cái hay bạn bè. Ẩm thực giúp mọi người xích lại gần nhau không chỉ vì đó là nhu cầu của sự sống con người mà đó còn là cơ hội để mọi người thể hiện tình cảm của mình, sự quan tâm, chăm sóc. Đó chính là giá trị sâu sắc của ẩm thực, tức là ngoài giá trị nuôi sống con người còn có giá trị nâng cao tâm hồn con người, là văn hóa, là đạo đức. Vì thế, đâu chỉ có món “ chè thương chồng”, mà mỗi người đều có thể nấu những món ăn bằng tình thương của mình với những tên gọi khác nhau… Đó là điều mà tôi bất chợt nhận ra sau khi nghe bạn nói về món chè được nấu bằng tình thương…

Nguyên Khoa