Hướng dẫn trẻ dùng bình bọt khi dập lửa

Bổ ích

Khác với mọi ngày, buổi sáng chào cờ đầu tuần của Trường tiểu học Thuận Lộc vừa qua có một điều đặc biệt - các em học sinh được Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng phối hợp với Đoàn Thanh niên Cảnh sát PCCC tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Đây là những kỹ năng cần thiết vì khi có cháy, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị hoảng loạn và tổn thương nhất do chưa có kỹ năng đối phó với những tai nạn bất ngờ này.

Với những kiến thức như: Khi đang vui chơi mà phát hiện mùi khét, hoặc xuất hiện nhiều khói, nhiều lửa thì ngay lập tức phải chạy đến nơi an toàn, sau đó gọi điện đến số 114 cho lực lượng cứu hỏa; đồng thời, cần cảnh giác với những vật liệu xung quanh dễ phát sinh cháy như: giấy, áo quần, rèm cửa, những nguyên nhân phát sinh cháy như điện, gas,.. hay tuyệt đối không được đùa nghịch với xăng và lửa; những hậu quả, thiệt hại do cháy gây ra...Tất cả được cán bộ Cảnh sát PCCC mô phỏng qua những hình ảnh sinh động.

Các em học sinh cũng rất hào hứng và nhiệt tình tham gia trả lời các câu hỏi do cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh đặt ra để tìm hiểu thêm về sự nguy hiểm của lửa, lối có thể thoát ra ngoài khi có cháy. Nếu gia đình sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, các em đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có cháy vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện. Trường hợp ở gần tầng thượng, hãy di chuyển lên trên để chờ lực lượng cứu nạn cứu hộ đến cứu, thay vì di chuyển xuống dưới... Sau những mô tả bằng hình ảnh, các em được thực hành di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi để tránh bị ngạt khói và cảnh sát PCCC cũng dạy các em cách sử dụng bình bột để dập tắt đám cháy.

Trang bị kỹ năng sống

Trần Văn Cẩm Tú, học sinh Trường tiểu học Thuận Lộc, TP. Huế hào hứng khi được học chuyên đề này. “Các chú đã hướng dẫn cháu cách dập tắt đám cháy một cách an toàn. Ngoài ra, dạy cho cháu nếu xảy ra cháy, trong quá trình di chuyển thấy khói, hãy nhanh chóng dùng khăn hay vải thấm nước buộc quanh mặt ra sau tai hoặc bịt lên miệng, mũi để hô hấp. Khi di chuyển cần cúi người ở tư thế đi khom, hạ thấp hoặc bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra”, Tú kể.

Thượng úy Lê Văn Kỳ, cán bộ Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh chia sẻ, khi thực hiện công tác tuyên truyền, chúng tôi luôn chú trọng đến việc tổ chức các thao tác thực hành cho các cháu.

Bà Trần Thị Thu Sương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Lộc nhận xét: Với sự chỉ bảo nhiệt tình, thân thiện của các huấn luyện viên, tại khóa học, các học sinh được trang bị những nhận thức ban đầu về mối nguy hiểm khi xảy ra cháy, nổ; kỹ năng quan sát, chỉ huy và làm việc tập thể theo nhóm; được trải nghiệm hành trình đầy thử thách, thú vị thông qua các trò chơi; hoạt động vận động với mô hình chữa cháy và thoát hiểm. Thông qua hoạt động này giúp các em có thể trải nghiệm, ứng phó mọi lúc, mọi nơi, ở trường học cũng như ở nhà và là cơ hội để các em trưởng thành, dũng cảm hơn, biết yêu thương, chia sẻ.

Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích với chuyên đề “Xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra” được Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng phối hợp Đoàn Thanh niên Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức tại 18 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. “Những chuỗi hoạt động thiết thực kết hợp tuyên truyền sâu rộng các kiến thức về PCCC đến các em đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác phòng ngừa cháy nổ cho các bậc phụ huynh và học sinh”- Bí thư Đoàn Cảnh sát PCCC tỉnh- Thượng úy Văn Đức Hiệp cho biết.

Bài, ảnh: Thái Sơn