Trẻ em uống nước tại một vòi nước công cộng. Ảnh: Ngân hàng Thế giới
Nước vô cùng thiết yếu với cuộc sống. Tuy nhiên, hơn 663 triệu người trên thế giới hiện nay đang phải sống mà không có nguồn cung cấp nước sạch gần nhà. Họ phải bỏ ra hàng giờ xếp hàng, đi bộ đến các nguồn nước xa xôi và chịu những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Ngày Nước thế giới (22 tháng 3) hàng năm là ngày tập trung sự quan tâm vào tầm quan trọng của nước. Năm 2018, Ngày Nước thế giới có chủ đề là “Nước với thiên nhiên” nhằm kêu gọi ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, khuyến khích cộng đồng hiểu đúng mối quan hệ sống còn giữa nguồn nước và thiên nhiên; từ đó thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết những thách thức về nước mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21.
Thiệt hại về môi trường cùng với biến đổi khí hậu đang gây ra những cuộc khủng hoảng liên quan đến nước mà chúng ta có thể nhìn thấy trên khắp thế giới. Lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm nước đang trở nên tồi tệ hơn do thảm thực vật, đất, sông ngòi và ao hồ bị xuống cấp và thoái hóa.
Các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể giải quyết nhiều thách thức về nước. Con người cần phải làm nhiều hơn nữa với cơ sở hạ tầng “xanh” và hài hoà nó với cơ sở hạ tầng “xám” bất cứ nơi nào có thể. Trồng rừng mới, kết nối các con sông với vùng đất ngập nước và phục hồi vùng đất ngập nước sẽ cân bằng lại vòng tuần hoàn nước, cải thiện sức khoẻ con người và sinh kế.
Tổng thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, nước là vấn đề của sự sống và cái chết”. Theo Tổng thư ký António Guterres, thiên tai liên quan đến nước xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng trở nên nguy hiểm ở mọi nơi. Điều này có nghĩa “nước thực sự là vấn đề của sự sống và cái chết” và “phải tuyệt đối ưu tiên vấn đề nước trong mọi việc chúng ta làm”.
Trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, Mục tiêu 6 - Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người - bao gồm mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nước thải không được xử lý và tăng cường việc tái sử dụng nước và tái sử dụng an toàn; đảm bảo rằng mọi người đều có nước sạch đến năm 2030 và bao gồm các mục tiêu về bảo vệ môi trường tự nhiên và giảm ô nhiễm.
Những con số đáng báo động *Trên toàn cầu, hơn 80% nước thải phát sinh từ các hoạt động trong cuộc sống chảy ngược trở lại hệ sinh thái mà không được xử lý hoặc tái sử dụng. *1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm phân và có nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lị, thương hàn, bại liệt. Nước không đảm bảo an toàn và vệ sinh khiến khoảng 842.000 người chết mỗi năm. (Số liệu của WHO/UNICEF) |
Ngọc Hà
(tổng hợp và dịch từ UN News)