Mẫu đồng hồ gỗ khắc phong cảnh Huế sẽ "trình làng" tại festival 2018

Khẩn trương

Sau hơn 3 năm tự nghiên cứu và đầu tư máy móc sản xuất các sản phẩm phục vụ các sự kiện, hội nghị và cung ứng ra thị trường các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2018, Cơ sở sản xuất đồng hồ- quà tặng gỗ HP Design ở số 7 Ông Ích Khiêm, TP. Huế bắt đầu chuyển hướng sang thiết kế và sản xuất hàng lưu niệm và quà tặng (LN&QT) phục vụ thị trường du lịch, đồng thời tham gia trưng bày tại Hội chợ Festival Huế diễn ra vào cuối tháng 4/2018.

Chủ cơ sở- ông Phạm Văn Phúc cho rằng, Huế là thị trường tiềm năng đối với việc thiết kế và kinh doanh sản phẩm LN&QT. Dù trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ với chất liệu khác nhau, mẫu mã đa dạng, song có rất ít sản phẩm lọt vào “tầm ngắm” của du khách và đây chính là lý do để cơ sở đầu tư thiết kế mặt hàng này.

Chuẩn bị cho Festival Huế 2018, cơ sở đang tập trung nhân lực, nguyên liệu để sản xuất khoảng 1 ngàn sản phẩm đồng hồ để bàn, treo tường khắc phong cảnh Huế và các mẫu móc khóa, đồ chơi trẻ em từ nguyên liệu gỗ công nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách, sản phẩm của cơ sở có kích thước nhỏ, gọn và giá vừa phải, chỉ dao động từ 120.000 đồng - 2 triệu đồng/sản phẩm và được đóng gói bằng bao bì đẹp mắt.

Trước nhu cầu trang trí và sử dụng sản phẩm hoa sen giấy làm quà tặng của du khách ngày càng nhiều, năm nay nghệ nhân Thân Văn Huy ở làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu (Phú Vang) thiết kế và sản xuất thành công sản phẩm hộp đèn hoa sen bên cạnh các sản phẩm hoa sen truyền thống.

Nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, cùng với trên 1 ngàn sản phẩm hoa sen giấy tham gia hội chợ và giới thiệu tại các cửa hàng lưu niệm phục vụ du khách, festival năm nay cơ sở sẽ “trình làng” sản phẩm mới là hộp đèn hoa sen. Với thiết kế nhỏ, có hộp kính nên du khách dễ dàng vận chuyển, đồng thời lưu giữ hoa sen giấy nhiều năm mà không lo ẩm mốc hay phai màu.

Với sự hỗ trợ về thiết kế của các cộng sự, cơ sở đang tiếp tục nghiên cứu để lồng ghép thêm âm thanh, đưa tiếng nhạc vào bên trong hộp đèn, tạo hiệu ứng lung linh huyền ảo về đêm.

Cơ hội cho sản phẩm Huế

Sau hai năm triển khai chương trình thiết kế mẫu LN&QT mang bản sắc văn hóa Huế, đến nay thị trường đã xuất hiện nhiều mẫu thiết kế tinh gọn và đẹp mắt bằng chất liệu đồng, mỹ nghệ đá, tre, xương, pháp lam, vàng và composite. Cùng với các sản phẩm đơn lẻ, hiện trên thị trường đã hình thành bộ sưu tập hàng LN&QT mô phỏng  mô hình Đại Nội, tháp Thiên Mụ, Kỳ đài Huế, tượng cụ Phan Bội Châu, Cửu đỉnh, cầu Trường Tiền và con Nghê, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách.

Sở Công thương đã chuyển giao các mẫu thiết kế cho 8 DN sản xuất hàng LN &QT triển khai sản xuất số lượng lớn cung ứng ra thị trường. Sau khi tiếp nhận, các DN tổ chức sản xuất dựa trên các chất liệu truyền thống như đá, đồng, tre, xương, pháp lam, vàng và composite.

Chủ cơ sở Tre Việt- ông Nguyễn Đình Hưng thông tin, cùng với các đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước, cơ sở đang huy động toàn bộ lực lượng tập trung sản xuất 50 mẫu với trên 500 sản phẩm LN&QT, đồ gia dụng tham gia trưng bày tại hội chợ và phục vụ du khách trong những ngày diễn ra festival. Trong đó, với 5 mẫu thiết kế được Sở Công thương bàn giao, như mô hình Đại Nội, tháp Thiên Mụ, Kỳ đài Huế…, cơ sở đang tích cực sản xuất để cùng với các cơ sở trên địa bàn, hình thành bộ sưu tập hàng LN&QT “made in Huế”.

Giám đốc Sở Công thương-ông Nguyễn Thanh khẳng định: Cùng với đầu tư thiết kế mẫu LN&QT, tháng 3/2018, sở đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” cho 11 cơ sở sản xuất đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã và đáp ứng nhu cầu thị trường. Con dấu nhận diện sẽ được in, khắc hoặc gắn trên sản phẩm để khách hàng dễ dàng phân biệt đâu là sản phẩm “made in Huế”, đâu là sản phẩm xuất xứ từ các tỉnh bạn hoặc hàng Trung Quốc nhằm khẳng định thương hiệu và vị thế của hàng thủ công mỹ nghệ Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hương