Chị Gái (bên phải) trò chuyện cùng hội viên

“Trước kia, người dân địa phương quanh năm đi biển, cuốn theo công việc nên nhận thức còn hạn chế. Thay đổi, nâng cao nhận thức của người nhân nói chung và chị em phụ nữ nói riêng là cả một quá trình”, chị Gái bắt đầu câu chuyện.

Điển hình là việc sinh con thứ 3 trở lên tại địa phương khá phổ biến, bởi quan niệm “đông con hơn đông của”. Nhiều gia đình trước đây sinh 5-7 người con, cá biệt có gia đình có đến 12 con. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều chị em có chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhưng cái khó nhất vẫn là chịu áp lực từ chồng và gia đình. Chị Gái chọn phương án tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, mời cả hai vợ chồng cùng tham gia; hoặc gõ cửa từng hộ gia đình nhằm thuyết phục, động viên người chồng tham gia kế hoạch hóa gia đình. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ sinh con thứ 3 tại thôn còn rất thấp, năm 2017 chỉ có 1 trường hợp duy nhất.

Chị Lê Thị Phin (thôn Tân Mỹ) cho biết, các thế hệ trước trong gia đình chị có truyền thống sinh đông con. Nhờ chị Gái vận động tham gia kế hoạch hóa gia đình nên chị chỉ sinh một con, kinh tế gia đình cũng bớt gánh nặng, có thể tập trung lo cho con trọn vẹn. 

Năm 2017, chị Lê Thị Gái là một trong những chi hội trưởng tiêu biểu được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Trước đó, chị được Trung ương Hội tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phụ nữ.

“Việc tuyên truyền, vận động người dân đòi hỏi nhiều cách thức mềm chứ không thể cứng nhắc. Tùy từng đối tượng mà có cách tuyên truyền riêng phù hợp, lúc mềm mỏng lúc cứng rắn. Chẳng hạn, đàn ông ở đây quanh năm bám biển, mỗi khi về nhà thường rượu chè giải khuây. Một số không làm chủ bản thân, lúc say lại chửi bới hay nặng hơn là bạo hành gia đình. Những trường hợp này, ban đầu tôi đều nhẹ nhàng khuyên nhủ, hòa giải, nếu không chuyển biến sẽ nhờ chính quyền và công an vào cuộc giải quyết”, chị Gái trải lòng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chị Gái còn là “đầu tàu” trong việc vận động chị em phụ nữ tham gia lao động sản xuất nhằm cải thiện thu nhập. Hiện nay, thôn Tân Mỹ có một CLB dịch vụ nấu ăn và một tổ hợp tác sản xuất nước mắm đều do chi hội phụ nữ thành lập. Hội viên tham gia được trả lương, một phần lợi nhuận được trích lại cho các hoạt động của chi hội. Nhờ đó, Chi hội Phụ nữ thôn Tân Mỹ đã xây dựng được một trụ sở CLB riêng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp; ngoài ra chi hội còn xây dựng một khu buôn bán riêng, giúp những hội viên có mặt bằng buôn bán.

“Trước đây nhiều gia đình chồng đi biển, vợ chỉ ở nhà chăm con nên cuộc sống khá khó khăn. Chi hội đã nhiều lần vận động, hướng dẫn chị em các mô hình kinh doanh để cải thiện thu nhập. Ba lớp học may dân dụng cũng đã được chi hội đưa về tận thôn để dạy nghề cho chị em”, chị Gái cho biết.

Chị Hoàng Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Ngạn đánh giá, chị Lê Thị Gái là người có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào, hoạt động của hội tại địa phương.

Bài, ảnh: Minh Nguyên