Trải nghiệm trên Đầm Chuồn

Trên con đường dẫn ra đầm Chuồn, sau hàng rào râm bụt xanh yên bình là nhà vợ chồng anh chị Lê Huân - Nguyễn Thị Lê. Ngôi nhà vừa được quét vôi mới, công trình phụ cũng được sửa chữa nâng cấp sạch sẽ, tiện nghi. Trên chiếc giường rộng bên gian trái, vợ chồng chị Lê đang thực hiện các thao tác trải nệm, ga, cho thật nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp như đã được tập huấn. Nở những nụ cười mộc mạc nhưng đầy phấn chấn, vợ chồng chị Lê kể, gia đình chị là một trong 3 hộ ở địa phương được dự án hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà cửa, trang bị chăn ga gối nệm, làm dịch vụ homestay đón khách về Phú An du lịch sinh thái. Hai hộ làm nón lá cũng được hỗ trợ sửa sang nhà cửa, đón khách trải nghiệm.

Người dân nơi đây vui mừng khi du khách trong nước và nước ngoài tìm về khám phá cảnh đẹp, thưởng thức những món cá tôm tươi ngon được bắt lên từ đầm thông qua tuor du lịch trải nghiệm khám phá đầm phá. Vui hơn nữa là từ đây, số hộ gia đình là “mắt xích” làm du lịch tăng lên, được tập huấn kỹ năng, kết nối với nhau, thu hút du khách trong nước và nước ngoài, cùng chung tay nâng cao đời sống kinh tế gia đình, địa phương, đồng thời quảng bá vẻ đẹp quyến rũ của quê hương.

Từ hỗ trợ của dự án, hàng chục người dân đã tham gia khóa đào tạo về kỹ thuật nấu ăn, phục vụ nhà hàng, pha chế thức uống, kiến thức kỹ năng hướng dẫn, quản lý du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tham gia các khóa đào tạo và hướng dẫn về dịch vụ homestay, trải nghiệm đánh bắt thủy sản, làm nón lá, bánh xèo, tham gia học lớp tiếng Anh giao tiếp trong du lịch...; đồng thời, trang bị 1 chiếc tàu chở khách du lịch đảm bảo kỹ thuật, tiêu chuẩn và cử 2 người vào TP. Đà Nẵng học và lấy chứng chỉ lái tàu chở khách du lịch trên đầm, phá.

Ông Lê Thái Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Vang cho hay: Dự án hỗ trợ các loại trang thiết bị như một số dụng cụ thu gom rác thải sinh hoạt, cơ sở vật chất, tập huấn cơ sở chế biến bánh xèo cá kình, công tác vệ sinh đình làng An Truyền, phao tròn, phao cứu hộ, áo phao trên ghe đưa đón du khách, hệ thống panô, bảng chỉ dẫn các điểm đến, bản đồ, phục vụ giới thiệu, hướng dẫn, quảng cáo du lịch, các gói sản phẩm du lịch được xây dựng để các công ty lữ hành và khách du lịch lựa chọn...

Từ nay, du khách đến Phú An du lịch sinh thái, có thể tham quan đình làng An Truyền. Sử dụng ẩm thực và trải nghiệm làm bánh xèo cá kình. Thăm nơi sản xuất và thử rượu Làng Chuồn. Trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên đầm phá. Tham quan đầm phá bằng thuyền, đi thuyền chụp hình vào sáng sớm và chiều tối. Tham gia cùng ngư dân vá, đan lưới, trải nghiệm tour xe đạp và dạo bộ, ngủ tại nhà dân... Thời gian qua, một số công ty lữ hành đã đưa khách nước ngoài đến Phú An trải nghiệm du lịch sinh thái. Số lượng du khách đến với đầm phá ngày càng tăng, theo thông tin từ Phòng Văn hóa Thông tin huyện.

Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã Phú An nói riêng và huyện Phú Vang nói chung, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần giảm nghèo, cải thiện và chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại xã Phú An theo hướng bền vững, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của các tài nguyên du lịch.

Bài, ảnh: Thanh Thảo