Có rất nhiều vấn đề cụ thể đã được đặt ra tại 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện kế hoạch này, coi đó như là bước quan trọng để cơ cấu lại ngành du lịch Thừa Thiên Huế. Đồng thời là việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm trong định hướng, đầu tư và phát triển.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng; đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ... Giải pháp về đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch được đánh giá là quan trọng nhất, có tác động sâu sắc đến tiềm năng và sự phát triển ở lĩnh vực hoạt động này. Đây là điều được xác định ngành du lịch là ngành kinh tế thực thụ, mang lại nhiều nguồn thu cũng như mang lại cơ hội cho các thành phần kinh tế khác.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường có lẽ là vấn đề quan trọng và then chốt nhất, quan trọng nhất vì nó tác động và làm thay đổi các bước tiếp theo ở tất cả các nhóm giải pháp khác. Đó đồng thời cũng là điều kiện để tập trung xây dựng các chính sách đột phá trong phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên các chính sách kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch. Tất nhiên và chắc chắn là đi kèm theo sẽ là những cơ chế cụ thể để hỗ trợ trở lại đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến các gói đầu tư, ở những quy mô khác nhau cũng như cần phải nâng cao nhận thức bằng các việc làm, hành động cụ thể về vấn đề môi trường du lịch. Đây cũng là tác động cần thiết đối với toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội về phát triển du lịch.

Việc phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch không chỉ yêu cầu được chú trọng trên các kênh thông tin của các cơ quan truyền thông, cổng thông tin điện tử, website mà còn được yêu cầu đối với các trang mạng xã hội. Điều này cho thấy tinh thần quyết liệt trong thúc đẩy để tạo ra một sự thay đổi đối với du lịch – dịch vụ và hướng đến việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong vài năm tới, cụ thể là đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2020 – 2030 với các chỉ số thích ứng và lũy tiến của từng năm.

Nguyễn An Lê