Bức xúc

23 giờ ngày 6/8, ông N.V.P trở về căn hộ của mình trong tòa nhà A thuộc KĐT An Vân Dương, nhưng không vào được nhà ngay mà phải đứng ngoài gọi rất lâu, vì cửa chung cư đã bị khóa. Sau đó, giữa nhiều người dân sống trong chung cư và bảo vệ xảy ra to tiếng. Người dân cho biết, trước đó, họ đã bị “nhốt” và cản trở việc đi lại. “Tòa nhà có 4 cửa (2 cửa hông hai đầu và 2 cửa lớn), thì ban ngày 3 cửa bị khóa, chỉ để 1 cửa nơi bảo vệ ngồi. Đến 11 giờ đêm cửa này cũng khóa luôn. Việc đi lại của chúng tôi bị cản trở đã đành, điều đáng sợ hơn là nếu hỏa hoạn hoặc xảy ra bất cứ sự cố gì thì chúng tôi làm sao thoát ra ngoài được?”, bà H.T.Q.T bức xúc.

 Cửa hông của chung cư từng bị khóa kín cả ngày lẫn đêm.
Th.s Luật sư Nguyễn Văn Phước: Không thể tìm được bất kỳ lý do nào để bào chữa cho chủ dự án về hành vi khoá cửa bịt kín lối đi của các căn hộ ở chung cư Vicoland Huế sau 11h00 đêm. Hành vi này đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại của công dân. Đây là quyền Hiến định bất khả xâm phạm theo quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi bổ sung năm 2001 và điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Ngoài ra, việc chậm lắp đặt vận hành thang máy và không thực hiện đưa ô thu rác vào hoạt động khiến người dân chung cư này phản ứng. Thực tế, từ khi giao - nhận nhà, đến nay đã 7 tháng, nhưng thang máy vẫn chưa hoạt động. Trong Công văn số 89 ngày 01/8/2013 gửi UBND tỉnh, công ty cam kết sẽ vận hành thang máy vào ngày 7/8/2013. Tuy nhiên, đúng ngày đó, có mặt tại chung cư, chúng tôi được bảo vệ cho biết, 2 ngày sau thang máy mới vận hành. “Vận hành thang máy chậm, nhưng cuối cùng cũng có hướng giải quyết. Vậy nhưng, cách trả lời của công ty về việc không thực hiện đưa ô thu rác vào hoạt động là khó có thể chấp nhận. Trong thiết kế của tòa nhà, phía sau 2 thang máy là ô thu rác để thả rác xuống. Khi chúng tôi mua căn hộ, nghe người của công ty giới thiệu, chúng tôi thấy rất tiện. Quá trình ở, chúng tôi kiến nghị đưa vào sử dụng hố thu rác, nhưng họ lại nói thiết kế đó không hẳn là để dùng cho việc đổ rác. Hóa ra, khi giao dịch mua bán họ nói một đằng, mua bán xong rồi lại thực hiện không đúng. Có người phản ứng tiêu cực, đứng trên tầng 7 vứt rác xuống đất”, ông C sống ở tầng 5 nói.

Điều khiến nhiều người mua nhà ở chung cư này bức xúc nhất là “bỗng dưng” nhận được giấy thông báo nợ tiền, trong lúc họ đã trả hết tiền mua nhà. Gia đình bà T nhận thông báo còn nợ gần 28 triệu đồng. Gia đình ông C lại “được” thông báo nợ 180 triệu đồng. “Không chỉ riêng chúng tôi, nhiều người trong chung cư cũng nhận “giấy báo nợ” như thế này, trong lúc chúng tôi đã trả hết tiền cho bên bán”, ông C và bà T cho biết.

Nhiều chậm trễ, sai phạm

Trước phản ứng của người dân, phía chủ đầu tư đã cho mở tất cả các cửa vào ban ngày. Ban đêm bảo vệ đóng 3 cửa. Riêng cửa lớn gần vị trí bảo vệ ngồi, sau 11 giờ đêm chỉ khép lại chứ không khóa, để người dân chủ động vào, ra. Ông Trần Đức Vẽ, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng & Phát triển nhà ViCoLand, Trưởng Ban quản trị chung cư lâm thời, thừa nhận có những điều như người dân phản ánh. Ông Vẽ cho biết, do tổ bảo vệ muốn quản lý tốt xe máy, xe đạp (đã được ghi số phát phiếu và thu tiền) nên mới đóng các cửa ra vào chung cư. Nay vấn đề trên đã được khắc phục.

Việc không đưa hố thu rác vào sử dụng (mà người dân phải xách rác ra đổ tại các thùng đặt ngoài đường), ông Vẽ nói: “Lúc đầu công ty thiết kế cái này để thuận tiện bỏ rác từ trên xuống dưới, nhưng sau khi làm xong thấy vẫn chưa phù hợp, vì nếu thả rác xuống như vậy sẽ bốc mùi hôi. Do đó, công ty đang nghiên cứu bổ sung chi tiết, để đảm bảo việc kín hơi khi đưa rác vào. Hoàn thiện rồi sẽ đưa hố thu rác vào sử dụng, không phải là không thực hiện”.

Riêng việc người mua nhà đã thanh toán hết tiền, vẫn nhận “giấy nợ”, ông Vẽ lý giải: “Công ty khó khăn về vốn, muốn vay được nguồn vốn 30 ngàn tỷ đồng từ ngân sách thì phải cho ngân hàng biết khối lượng những căn hộ bán thu được bao nhiêu tiền. Nếu công ty làm danh sách báo cáo với ngân hàng lỗ hoặc bán hết rồi thì chắc chắn ngân hàng không cho vay”. Vậy nên, phía chủ đầu tư mới có... “động tác giả” như người dân phản ánh. Theo ông Vẽ, lẽ ra công ty phải trao đổi trước và được sự đồng ý của khách hàng. Tuy nhiên, đồng thời với việc “nhận lỗi”, ông Vẽ lại cho rằng, một số gia đình đã trả hết tiền mua nhà, nhưng số khác vẫn còn nợ. Nhiều người dân bất bình trước cách lý giải này và lên tiếng đó là sự bao biện cho việc làm sai phạm của phía chủ đầu tư. Theo người dân, nếu bên bán nhà nói một số người mua còn nợ là rất vô lý. Bởi lẽ, nếu không trả hết tiền theo hợp đồng thì không thể được bên bán giao nhà để ở. Điều này thể hiện tại Điều 7 của hợp đồng “nếu quá 7 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền của bên bán, bên mua không thanh toán cho bên bán theo quy định tại Điều 2 thì bên bán sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng”.

Hiện người dân lo lắng không biết lúc nào chủ đầu tư mới làm thủ tục để họ được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Theo ông Trần Đức Vẽ, công ty đã làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường và đang chờ trả lời. “Bà con phải thông cảm, chia sẻ. Những việc chưa làm được chúng tôi sẽ tiếp tục làm”, ông Vẽ nói. Trong khi đó, Điều 4 của Hợp đồng quy định “Bên bán có trách nhiệm cùng với bên mua làm thủ tục để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và bàn giao các giấy tờ có liên quan đến căn hộ cho bên mua sau khi bên mua đã thanh toán hết tiền mua căn hộ theo thỏa thuận”

 

Bài và ảnh: Quỳnh Anh