Cách biệt giàu nghèo thực ra chỉ là một sự lựa chọn và giới chức các nước có quyền được lựa chọn thu hẹp tối đa khoảng cách này. Ảnh: Thailand Business News

Ở châu Á, một đặc điểm nổi bật nhất có thể nhìn thấy trong vài thập kỷ qua là mức độ tăng trưởng tương đối bền vững. Hầu hết các nước đều xây dựng đường lối phát triển cởi mở, với sự hợp tác tích cực về thương mại giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới.

Mặc dù châu Á vẫn xếp sau châu Âu về những thành quả đạt được trong hội nhập tài chính, song khu vực này đã và đang triển khai nhiều nỗ lực, từ đó đạt được đà tăng trưởng vững mạnh về đầu tư nhằm cải thiện khả năng kết nối khắp châu Á.

Tuy nhiên, thương mại và hội nhập kinh tế châu Á nói riêng và thế giới nói chung vẫn đang phải đối mặt với khá nhiều trở ngại. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do thiếu các lợi ích chung và sự phân cực rõ ràng giữa các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp. Tình trạng này cũng xuất hiện ngay cả trong hệ thống xã hội của các nước có mức sống cao, nhất là khi khoảng cách giàu nghèo vẫn còn khá xa.

Trong những thập kỷ gần đây, khoảng cách giàu nghèo ở châu Á được ghi nhận là tương đối nghiêm trọng. Được biết, khoảng cách giàu nghèo xuất hiện chủ yếu do chênh lệch mức lương và những hệ lụy đến từ sự khác biệt trong trình độ học vấn. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), người lao động có tay nghề, trình độ học vấn cao sẽ được hưởng mức thu nhập ngày càng tăng, trong khi số lao động có tay nghề thấp vẫn liên tục chứng kiến mức lương giảm đáng kể. Những khác biệt về thu nhập này ước tính chiếm khoảng 25% - 30%  mức độ nghiêm trọng của tình hình bất bình đẳng ở châu Á.

Thêm vào đó, cách biệt giàu nghèo diễn ra rõ hơn giữa các giới. Theo nhận định của Oxfam, mức lương của phụ nữ châu Á luôn chỉ bằng khoảng 70% - 90% thu nhập của nam giới.

Nhằm giải quyết vấn đề này, chính phủ các nước cần tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân, từ đó đề ra những phương án khắc phục tích cực, hỗ trợ xã hội thống nhất và tạo đà phát triển cho khu vực.

Nỗ lực thu hẹp

khoảng cách

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quản trị toàn cầu tốt hơn được xem là biện pháp chìa khóa, đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ giải quyết triệt để sự mất cân bằng trong từng quốc gia riêng lẻ. Trong đó, thúc đẩy kết nối trong khu vực đòi hỏi giới chức các nước phải áp dụng chính sách nội địa tốt hơn để giảm rào cản đối với đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh về sự hợp tác khu vực và tăng cường hợp tác xuyên biên giới. Trong đó, cơ hội phát triển, tiếp cận cần được liệt kê rõ ràng, phân chia đồng đều cho tất cả các bên tham gia. Những lợi ích phát triển trong thế kỷ 21 cần được chia sẻ và quản lý đúng đắn theo các nội dung của quản trị toàn cầu. Điều quan trọng và cần thiết nhất lúc này là xây dựng một phiên bản toàn cầu hóa của thế kỷ 21 – phiên bản hiện đại của chủ nghĩa quốc tế.

Phát triển bền vững

Trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo vẫn còn lớn, ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), ngân hàng Thế giới (WB), ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... cần tăng cường hoạt động để hỗ trợ giải quyết một phần các thách thức mà các nước đang gặp phải, với nhiệm vụ chính là chịu sự ủy thác để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, cũng như tăng cường kết nối và hợp tác trong khu vực thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các ngành sản xuất khác.

Vào thời điểm thuận lợi, châu Á cần khẩn trương cải thiện lợi ích kinh tế, cân bằng với bảo vệ môi trường, đặc biệt là chú ý thực hiện xuyên suốt định hướng này trong tất cả các dự án tiếp theo. Mục tiêu phát triển bền vững cần được áp dụng cho tất cả các hạng mục đầu tư để thúc đẩy chủ nghĩa quốc tế thành công.

Hi vọng cho tương lai

Phát biểu trước báo giới, Trưởng Phòng chính sách của tổ chức phi chính phủ Oxfam Max Lawson khẳng định: “Cách duy nhất để chống lại những mối đe doạ đến phát triển khu vực là các quốc gia phải hành động cùng nhau, tiếp tục triển khai các kế hoạch đã được phân công để thu hẹp tối đa khoảng cách giàu, nghèo đang còn tồn tại. Có rất nhiều chính phủ trên thế giới đã thực hiện được mục tiêu. Điều này chứng tỏ không có gì là không thể làm được. Bất bình đẳng thực ra chỉ là một sự lựa chọn và giới chức các nước có quyền được lựa chọn thu hẹp tối đa khoảng cách này”.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Thailand Business News & Forbes)