Ông Lê Viết Ngọc chăm sóc diện tích rừng keo tràm tại đồi Đại Bàng
Vượt khó
Ông Hồ Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến tấm tắc: “Ở một xã bán sơn địa còn nhiều khó khăn như Hồng Tiến, mà cơ sở thu mua cao su, gỗ keo tràm của ông Lê Viết Ngọc giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng trên 20 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, quả là hiếm. Hiếm không chỉ bởi thu nhập cao của lao động mà còn là sự chia sẻ, giúp nhau vượt gian khó của ông Ngọc với người làm công”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, nằm ven đường cái quan dẫn vào trung tâm xã, ông Ngọc “hồi ức” những ngày đặt nhát cuốc đầu tiên lên vùng đồi Đại Bàng để trồng rừng. Trong tổng 28 ha keo tràm, cao su, thì hơn phần nửa diện tích là công sức khai hoang của gia đình ông Ngọc. Năm 2000, ông Ngọc cùng vợ xin phép chính quyền địa phương được khai hoang vùng lau lách ở khu vực đồi Đại Bàng. “Ngày đó, đường mở lên núi còn chưa có, sau này mình đi mãi mà thành. Cứ gùi cơm gạo, cây giống lên từ sáng tới tối phát cây bụi, ươm mầm xanh”, ông Ngọc kể.
Khoảng 4 năm đầu, gia đình ông Ngọc tăng gia sản xuất để có thêm lương thực bám trụ với rừng, khi cây keo, cao su chưa thu hoạch. Hồi đó, trồng rừng khó khăn, đất đồi núi cứng như đá, khiến nhiều người bỏ cuộc. Ngay cả ông Ngọc cũng có lần suýt “thả tay” khi năm 2003, mười mấy ha rừng keo con (chưa được 1 năm tuổi), của ông bị cháy trong lúc xử lý thực bì cách ly lửa không tốt. Nhưng rồi vợ chồng ông Ngọc động viên nhau, chờ ngày "sỏi đá thành cơm". Ông Ngọc kể tiếp: “Bắt đầu năm thứ 6, thứ 7 trở đi, nguồn lợi từ rừng kinh tế đã thấy rõ, đó là động lực cho mình đầu tư tiếp cây cao su và mua thêm 13 ha rừng của người dân có nhu cầu bán để tiếp tục chăm sóc, trồng rừng”.
“Quả ngọt”
Ngoài diện tích 2 ha cao su đã cho cạo lứa mủ “bói” đầu tiên thì riêng với 26 ha rừng trồng được thu hoạch cuốn chiếu hàng năm, bình quân mỗi ha thu khoảng 90 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 60- 70 triệu/ha. "So với gỗ ở vùng khác, chất lượng gỗ keo tràm ở vùng đồi Đại Bàng đạt cao hơn nên người trồng rừng nhiều năm nay bán được giá, có lãi hơn những nơi khác", ông Ngọc lý giải.
Nhận thấy vùng đất Hồng Tiến nhiều diện tích trồng rừng, cao su (toàn xã có khoảng 1.200 ha rừng), nhưng lại thiếu cơ sơ chế biến, máy móc cơ giới mở đường khai thác, năm 2015, ông đầu tư mua máy ủi, máy múc và xe tải với kinh phí hơn 2 tỷ đồng để vừa phục vụ sản xuất trong gia đình, vừa đầu tư dịch vụ trồng, thu hoạch, vận chuyển gỗ rừng kinh tế trên địa bàn xã. Nhiều diện tích rừng được ông Ngọc “mua ngang” tại đồi, cáp giá rồi dùng máy móc mở đường, thuê nhân công khai thác gỗ. Ông Ngọc đưa vào xưởng sơ chế gỗ rồi nhập cho nhà máy chế biến trên địa bàn.
“Hạch toán lại một năm cơ sở của mình còn lãi khoảng 600-700 triệu đồng. Mình vui hơn khi đầu tư thêm dịch vụ mở đường, khai thác rừng, nhiều bà con nông dân trồng rừng trên địa bàn đã biết kết hợp, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, từng bước vươn lên làm giàu”, ông Ngọc trải lòng. Nhờ trồng rừng, phát triển kinh tế, ông Ngọc đã nuôi 5 người con học hành đến nơi đến chốn; trong đó, 2 người con hiện đang học tại Đại học Y Dược Huế.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến, ông Hồ Văn Tý thông tin, cá nhân ông Lê Viết Ngọc là một trong những hội viên không chỉ tích cực, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh mà còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, liên kết làm ăn với nhiều hội viên khác. Cùng với gia đình ông Ngọc, thông qua các kênh vay vốn do chính quyền tạo điều kiện, nhiều hộ nông dân khác ở Hồng Tiến giàu lên nhờ rừng trồng, phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả ngay tại địa phương.
“Ông Lê Viết Ngọc là một trong 3 nông dân trên địa bàn tỉnh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương, tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông Hồ Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến đánh giá.
Bài, ảnh: Hà Nguyên