Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên đứng trong top 10 của bảng xếp hạng Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 (PCI 2017), địa phương này dẫn đầu chỉ số thành phần đào tạo lao động, lĩnh vực mà thành phố luôn duy trì được điểm cao trong 5 năm trở lại đây. Một điểm sáng khác, thành phố Hải Phòng thường xuyên tổ chức đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp (DN) nhằm hướng dẫn, giải đáp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh.

Theo điều tra PCI, có đến 80% doanh nghiệp hài lòng đối với phản hồi giải đáp của các cơ quan thành phố. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, sát sao quan tâm đến các doanh nghiệp hơn.

Doanh nghiệp phải nâng cấp về quản trị để bắt kịp với những chuẩn mực toàn cầu

“Trong năm 2017 Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức định kỳ các đối thoại doanh nghiệp mỗi tháng 1 lần. Đây là diễn đàn để doanh nghiệp trao đổi những kiến nghị, thắc mắc, góp ý về cách điều hành của chính quyền thành phố đối với các sở ban ngành. Qua việc đối thoại hàng tháng, tỷ lệ giải quyết những kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp đạt được kết quả cao hơn. Trong năm 2017, theo thống kê 130/189 kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết triệt để”, ông Thành cho biết thêm.

Thủ đô Hà Nội dù xếp ở vị trí 13/63 tỉnh thành theo PCI, nhưng các chỉ số thành phần như: tính năng động của chính quyền tỉnh, chi phí không chính thức vẫn ở mức thấp, nên các doanh nghiệp mong muốn Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, điểm sáng của các cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp trong những năm qua là sự quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính. Tiêu biểu như thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai hiện chỉ còn khoảng 7-14 ngày.

“Thành phố Hà Nội đã nhận phần khó về cho mình, các thủ tục được đơn giản, giảm thuế đất cho các Khu công nghiệp. Cụ thể như: Khu công nghiệp nhỏ và vừa Từ Liêm được miễn, giãn thuế đất lên tới 50%. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và động lực đầu tư”, ông Mạc Quốc Anh nhận định.

Năm nay, ghi nhận lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7%, quán quân trong bảng xếp hạng trong 5 năm qua luôn tập trung cải cách thủ tục hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở fanpage tương tác giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành với doanh nghiệp trên mạng xã hội để lắng nghe trực tiếp và nhanh nhất ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập mới; tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Hiện tại các dòng đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh rất lớn. Một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay đó là cần tập trung giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thêm vào đó, chúng tôi đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Vấn đề về tiếp cận đất đai và những vấn đề có mức độ tăng điểm thấp, chúng tôi sẽ có những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Long khẳng định.

Tuy nhiên, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, dù đã có nhiều bước đột phá trong cải cách hành chính nhưng vẫn tồn tại nhiều nơi chưa tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, chính quyền vẫn thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Doanh nghiệp vẫn mong muốn chính quyền cần tiếp tục duy trì đà cải cách

Theo ông Lương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ vừa tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua ý kiến đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, tốc độ và mức ảnh hưởng chưa thực sự như ý muốn của doanh nghiệp, còn nhiều ý kiến khác nhau, trên chỉ đạo nhưng phía dưới chưa thông suốt.

“Trên tỉnh có văn bản chỉ đạo nhưng cấp dưới còn chưa thật sự trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là các xã, các vùng sâu, vùng xa giải quyết cho doanh nghiệp người dân còn nhiều hạn chế. Tình trạng này là do thái độ, trách nhiệm giải quyết của từng cán bộ công chức viên chức”, ông Lương Văn Thưởng chỉ rõ.

Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng, chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới, cụ thể trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, nâng cao chất lượng lao động nhất là nhân lực có trình độ cao…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đất nước phát triển nhanh và có tính cạnh tranh hơn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chính quyền các cấp mà còn ở chính cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, chính quyền phải đẩy mạnh cải cách thể chế, doanh nghiệp phải nâng cấp về quản trị để bắt kịp với những chuẩn mực toàn cầu.

Theo Báo Tin tức