CPTPP sẽ mở ra cơ hội tiếp cận một số thị trường mới, tạo nền tảng cho ngành dệt may phát triển bền vững. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tại Chile với 11 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đã tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường chung gần 500 triệu dân, tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm 1/6 giá trị thương mại toàn cầu.

Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95-98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 -7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, trong đó có dệt may và da giày.

Đánh giá về hiệp định này sau, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, nhận định: Việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành dệt may.

Cụ thể, CPTPP sẽ mở ra cơ hội tiếp cận một số thị trường mới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ có động lực đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt – may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may phát triển bền vững.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, trong khối CPTPP Nhật Bản là thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Mặc dù Việt Nam và Nhật Bản đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, nhưng CPTPP sẽ tác động thêm vào đầu tư phát triển về mặt hàng ở Việt Nam vì vậy thương mại dệt may giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng thêm.

Trong khi đó, các thị trường mới như Canada, Australia, New Zeland tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may hiện còn thấp nhưng sau khi CPTPP có hiệu lực kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ tăng lên.

Sở dĩ vậy bởi trước đây do không có FTA chung nên các thị trường này lựa chọn nhập sản phẩm dệt may từ nước khác, sau khi có CPTPP họ sẽ ưu tiên lựa chọn hàng dệt may Việt Nam . Ngược lại, nhờ có CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ quan tâm tìm hiểu và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới.

Mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình là trên 10%, (riêng Mỹ là 17-18%), khi CPTPP có hiệu lực và sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Các doanh nghiệp cho rằng: Tiêu chuẩn kỹ thuật của các thành viên trong khối CPTPP hiện nay không phải là khó khăn lớn đối với hàng dệt may Việt Nam, cái khó nhất chính là đáp ứng tỷ lệ nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam và các nước thành viên CPTPP trong tổng giá trị thành phẩm.

Để tận dụng được những điều khoản có lợi từ CPTPP, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành nguyên phụ liệu và ngành may xuất khẩu để nâng cao tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu nội địa, đáp ứng điều kiện được ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần sớm xây dựng, hoàn chỉnh bộ quy chế kỹ thuật về chất lượng, an toàn, lao động của ngành dệt may, phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu kỹ các nội dung, quy định trong CPTPP để khắc phục những thách thức và tận dụng tốt mọi cơ hội mở rộng thị trường.

CPTPP có tác động tích cực nhưng sẽ không tạo ra sự thay đổi lớn về cục diện tăng trưởng của ngành da giày Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nhận định về tác động của CPTPP đối với ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, CPTPP có tác động tích cực nhưng sẽ không tạo ra sự thay đổi lớn về cục diện tăng trưởng của ngành da giày Việt Nam.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, trong số 10 nước thành viên còn lại của CPTPP, Việt Nam đã có FTA với 7 nước, vì vậy việc có thêm FTA với 3 nước (Canada, Mexico và Peru) sẽ không tạo ra sự tăng trưởng đột biến về quy mô thị trường và kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận theo hướng tích cực thì bản thân Mexico là một thị trường khá lớn, Canada là thị trường có nhu cầu sản phẩm cao cấp và chấp nhận giá thành cao chính là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn.

Xét về tổng thể, CPTPP cũng như các FTA khác sẽ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành da giày nói riêng từ việc cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công của Nhà nước, từ đó tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Bà Đoàn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty Thành Hưng cho rằng, CPTPP mở ra cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tiếp cận một số thị trường mới như Canada, Mexico, Peru nhưng sẽ không tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu.

Lý giải vấn đề này, bà Đoàn Thị Thu Hà cho hay: Nguyên nhân không phải do Mexico, Canada, Peru là những thị trường nhỏ mà xuất phát từ thói quen tiêu dùng và cả xu hướng tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.

Về thói quen tiêu dùng, Canada, Mexico từ trước đến nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giày đến từ quốc gia khác và chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giày của Việt Nam. Ngược lại, phải nhìn nhận rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tập trung khai thác vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật…mà chưa thật sự quan tâm tới các thị trường mới ở Châu Mỹ. Tuy nhiên, CPTPP vẫn sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nếu muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới.

Các chuyên gia cho rằng, CPTPP cũng như bất cứ FTA nào đều mang lại cả cơ hội và thách thức. Áp lực cạnh tranh gia tăng, đồng thời cũng là động lực để các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực của mình.

CPTPP chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn. Khi hội nhập các doanh nghiệp hiện hữu sẽ chia thành hai xu hướng, nhóm doanh nghiệp thức thời, quyết tâm, yêu nghề, có nguồn lực về nhân sự, tài chính, có cải tiến mạnh mẽ thì sẽ nắm bắt được cơ hội và phát triển. Ngược lại, những doanh nghiệp không có chiến lược phù hợp, không có đủ nguồn lực để cạnh tranh thì sẽ bị đào thải theo cơ chế thị trường.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực về vốn để đầu tư công nghệ mới, mở rộng sản xuất…Tiếp đến phải nâng cao hiệu quả để không bị áp lực về lao động, nếu duy trì chiến lược sản xuất theo kiểu thâm dụng lao động, tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất sẽ không cạnh tranh được.

Về năng lực quản trị, giữ tư duy quản lý thủ công thì không thể theo kịp các doanh nghiệp áp dụng hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP). Chỉ có thay đổi phương thức quản lý mới giúp chủ doanh nghiệp cập nhật và xử lý thông tin tức thời, từ đó nắm bắt tốt mọi cơ hội phát triển.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tăng cường liên kết theo chuỗi dọc với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu để có chi phí cạnh tranh; liên kết theo chuỗi ngang để chia sẻ cơ hội, hoặc trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng ưu thế về sự linh hoạt trong sản xuất để khai thác các thị trường ngách có quy mô nhỏ nhưng giá thành và tỷ suất lợi nhuận cao thông qua việc phát triển những sản phẩm mới và độc đáo.

Theo TTXVN