Thành phố Batam, tỉnh Riau (Indonesia), gần biên giới Singapore. Ảnh: AFP

Khái niệm công viên công nghệ lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1950 ở Mỹ, khi các công viên này được xây dựng lần đầu tiên để đáp ứng ngành công nghiệp công nghệ cao diễn ra vào thời điểm đó. Thuật ngữ này vẫn được sử dụng để chỉ các lĩnh vực riêng, được phát triển đặc biệt nhằm khuyến khích nội địa hoá các công ty công nghệ cao trong những lĩnh vực, như phát triển phần mềm công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật, trong số các công nghệ khác.

Indonesia là quốc gia Đông Nam Á mới nhất mở cửa một công viên công nghệ. Công viên Kỹ thuật số Nongsa toạ lạc ở thành phố Batam, đang được tiếp thị như một cây cầu kỹ thuật số nối liền nền kinh tế số của Indonesia và Singapore.

Tờ The ASEAN Post ngày 25/3 dẫn lời bà Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia khẳng định tại lễ khánh thành công viên: “Công viên Kỹ thuật số Nongsa là một bước khởi đầu, một dự án thí điểm về những nỗ lực xa hơn của chúng tôi, để đạt được tiềm năng kinh tế số của Indonesia”.

Cho đến nay, các quốc gia Đông Nam Á đã và đang phát triển công viên công nghệ để thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm giúp họ phát triển công nghệ địa phương, điều này sẽ thúc đẩy số hoá nền kinh tế dài hạn, và chủ yếu là thông qua việc ươm mầm, cũng giúp thu hút các tài năng công nghệ cần thiết trong một lĩnh vực nhất định. Công viên Kỹ thuật số Nongsa là một ví dụ, khi dự kiến thu hút đầu tư trị giá 500 triệu USD và tạo ra 1.000 nhà khởi nghiệp kỹ thuật số mới, ước tính 10 tỷ USD đến năm 2020.

Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang thiết kế những công viên công nghệ phù hợp với mục tiêu kinh tế của họ.

“Công viên Kỹ thuật số Thái Lan” mới của quốc gia này được phát triển theo lộ trình 5 năm (giai đoạn 2018-2022) theo mô hình kinh tế “Thái Lan 4.0”. Mặc dù kế hoạch tổng thể của dự án vẫn chưa được tiết lộ cho công chúng, nhưng công viên này dự kiến được phát triển theo 3 giai đoạn. Công viên sẽ được chia thành 3 khu, gồm một không gian đổi mới, một trường đại học 4.0 và một không gian sống.

Trong khi đó, các công viên công nghệ cao của Việt Nam đã đạt được tiến bộ. Hồi năm ngoái, 3 công viên công nghệ cao của Việt Nam là Khu Công nghệ Cao TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút các dự án đầu tư với tổng trị giá lên đến 10 tỷ USD. Đáng chú ý, Samsung và Intel đều có cơ sở sản xuất tại Khu Công nghệ Cao TP. Hồ Chí Minh, chỉ riêng Samsung tạo ra khoảng 15.000 việc làm nhờ sự phát triển của tivi và các sản phẩm tiêu dùng khác.

Mặc dù các công viên công nghệ chỉ là một trong nhiều con đường dẫn đến việc thực hiện nền kinh tế số hoá, chúng là những mũi nhọn quan trọng, tạo cơ sở cần thiết cho hợp tác sâu hơn và thực hiện đổi mới. Vì vậy, điều quan trọng là các Chính phủ phải thực hiện những nghiên cứu cần thiết và lập kế hoạch để thu hút những đối tác phù hợp.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The ASEAN Post)