Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có QL1A và đường sắt Bắc Nam ngang qua, có Sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây và các cửa khẩu thông với nước bạn Lào… Thừa Thiên Huế hội đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm xây dựng nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp có quy mô lớn như khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn và nhiều khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, thương mại ở các địa phương. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; đầu tư hạn tầng giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông… tại các khu kinh tế, khu công nghiệp được quan tâm, đã thu hút đáng kể các nhà đầu tư; trong đó, có nhiều dự án lớn như nhà máy gạch ốp lát granit của Công ty Vitto ở Phú Lộc, với vốn đầu tư 610 tỷ đồng; nhà máy điện mặt trời Phong Điền, với vốn đầu tư 870 tỷ đồng; cùng với nhiều nhà máy xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… đã và đang hoạt động, giải quyết việc làm một lượng lớn lao động. Trong năm 2018, Ban quản lý các khu kinh tế - công nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban) đề ra mục tiêu thu hút các dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn đăng ký lên trên 74.000 tỷ đồng vào cuối năm.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Nổi cộm là tình trạng một số dự án triển khai chậm, đầu tư kéo dài; hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao, một số dự án đi vào hoạt động chủ yếu là sản xuất gia công, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp; thiếu tính bền vững… Hạ tầng kỹ thuật tại một số khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn chưa được đầu tư đồng bộ; đặc biệt một số tuyến đường giao thông kết nối với các cửa khẩu S3, S10 sang Lào tuy được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông.

Với tiền đề sẵn có, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ hội tốt để công nghiệp Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, để công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương, cần có nhiều biện pháp quyết liệt như tiếp tục rà soát thu hồi các dự án chậm triển khai; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhằm nâng cao chất lượng lao động… Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống giao thông kết nối cả trong và ngoài nước..

Đặng Thành