Những năm qua, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư nguồn lực rất lớn cho nông thôn, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông. Đời sống kinh tế-xã hội phát triển, lượng ô tô, xe máy người dân nông thôn sở hữu khá nhiều, sự giao thương giữa nông thôn - thành thị nhộn nhịp khiến hạ tầng giao thông không còn phù hợp do đường quá hẹp và xuống cấp.

Anh Phạm Ngọc Mạnh ở khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế nói: "Bây giờ, phường Thủy Biều có mật độ dân cư đông đúc. Vùng đất ven sông Hương có vườn cây đặc sản thanh trà khá lớn nên nhiều doanh nghiệp đến đây xây dựng các khu resort, dịch vụ lưu trú... Thế nhưng, đường ở đây đa phần chật hẹp với chiều rộng 2,5m và xuống cấp nghiêm trọng do bê tông hóa đã lâu".

Về xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, đường GTNT cũng vừa nhỏ hẹp vừa xuống cấp. Người dân nơi đây cho hay: Là vùng thấp trũng của tỉnh nên mỗi lần lũ lụt, nước ở đâu cũng rút hết nhưng riêng Phú Hồ ngâm đến cả nửa tháng. Vì vậy, đường GTNT nơi đây thường xuyên xuống cấp, song đa số chỉ làm ruộng, khó có đủ điều kiện đóng góp xây dựng GTNT.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trọng điểm năm 2018 về “phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; trọng tâm là hạ tầng giao thông”. Theo đó, nguồn lực thực hiện dự kiến tổng cộng khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 1.500 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và nguồn huy động khác là 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong danh mục đầu tư không có mục chi cho đầu tư GTNT mà chủ yếu tập trung cho các dự án giao thông lớn, bởi ngân sách nhà nước đang hạn hẹp không thể một lúc bố trí ngân sách thực hiện toàn bộ hệ thống giao thông trong toàn tỉnh mà chỉ ưu tiên cho những công trình giao thông lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đồng nghĩa trong năm 2018, GTNT vẫn còn những khó khăn nhất định.

Nhiều người dân ở nông thôn đều cho rằng, trước đây khi làm đường GTNT đều có sự chung tay giữa Nhà nước với Nhân dân, trong đó Nhân dân vừa đóng góp ngày công vừa đóng góp tiền bạc nhằm thực hiện tốt mục tiêu xã hội hóa GTNT. Kết quả chương trình bê tông hóa GTNT ở tỉnh đạt được nhiều kết quả. Vì vậy, cần có sự khởi động lại của chính quyền các cấp trong việc huy động nguồn lực trong Nhân dân để tiếp tục nâng cấp, mở rộng GTNT.

Anh Hoàng Trọng Dũng, ở Thủy Biều cho hay: “Chúng tôi cũng như tất cả mọi người dân đều hiểu rằng, việc một lúc nhà nước bỏ ngân sách hoàn toàn ra làm đường GTNT sẽ rất khó khăn, cần có sự sẻ chia của người dân và chúng tôi rất sẵn sàng đóng góp tiền của để cùng với Nhà nước làm đường nông thôn”.

Hoàng Trọng