Đây là lần thứ 3 chồng H. tiến hành hóa trị kể từ ngày phát hiện anh bị ung thư phổi cách đây 6 tháng. Mỗi đợt hóa trị anh phải vật vã với hóa chất từ 7 đến 10 ngày, người đờ đẫn, không ăn được, tóc rụng hết, những lần như thế anh đã nghĩ: “Thà chết còn hơn”. Nhưng rồi, khi sức lực hồi phục, anh lại khát khao được sống, được khỏi bệnh.

H. nhớ như in ngày cầm kết quả xét nghiệm cho biết chồng bị u phổi ác tính. Thực tình, đó là điều tất yếu, từ khi những cơn ho của anh kéo dài, uống thuốc không giảm thì linh tính đã mách bảo “lành ít, dữ nhiều”, nhưng H. vẫn cố đánh lừa mình, rằng đó không đúng sự thật. Cái gì đến đã đến, việc duy nhất H. phải làm sau khi có kết quả sinh thiết là giúp chồng chiến đấu với bệnh tật.

Lần đầu tiên bước vào Khoa Ung bướu, H. cố gắng để không ngã quỵ, không để chồng nhận ra sự lo lắng đang làm cơ thể chị run rẩy. Chị biết anh cũng vậy. Bên cạnh sự xót xa là câu hỏi “Tại sao phải trải qua điều này khi mà ai cũng đã biết trước?”

S., chồng H., là người đàn ông chăm chỉ từ nhỏ. Xét về đạo đức và lối sống anh ít có khiếm khuyết, chỉ có tật xấu là nghiện thuốc lá. Dù vui hay buồn, nhất là những lúc trăn trở với công việc, anh lại đốt hết điếu này đến điếu khác. Nhiều lần, nhìn mớ tàn thuốc lá trên sàn nhà, ruột gan H. cồn cào, nhưng đành tự bào chữa rằng “Mình quá lo thôi” khi anh giải thích “đó là nguồn vui của anh” trước những lời khuyên của chị.

Câu chuyện của vợ chồng chị H. không hiếm trong cuộc sống. Có lẽ, ai cũng hơn một lần chứng kiến “đấng mày râu” tuyên bố “Chết thì thôi chứ làm chi điếu thuốc cũng không dám hút”, hay “Bao nhiêu người không hút thuốc cũng bị ung thư phổi thì sao”… Theo tâm lý, có lẽ lúc đó họ “mạnh miệng” vì có mấy ai tin rằng mình sẽ bị bệnh nan y. Có điều, khi điều xấu xảy ra không ai không sợ hãi, ai cũng muốn được quay lại, sống lành mạnh để bảo về sức khỏe. Nhưng cơ hội dành cho họ quá hiếm hoi.

ĐĂNG VIỆT