Tuyến đường gần trung tâm xã được bê tông sắp hoàn thành

Ký ức

Những năm đầu sau ngày quê hương giải phóng, chính quyền tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đẩy mạnh phong trào khai hoang phục hóa. Các lực lượng đã đắp đê chắn lũ cho xứ đồng Nam Thanh, tu sửa 25km kênh mương nội đồng với hàng chục ngàn công. Từ phong trào khai hoang phục hóa đã chuyển ruộng gieo cấy lúa một vụ thành hai vụ, nâng tổng diện tích lúa năm 1976 lên 733 ha. Sản xuất chăn nuôi của địa phương được phục hồi.

Đời sống Nhân dân vừa mới bắt đầu đi vào ổn định thì trận lũ lớn xảy ra tháng 10/1975 làm nhà cửa, trâu bò, gia cầm, lúa gạo bị cuốn trôi, nhiều kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng. Cấp trên kịp thời cứu trợ cho Nhân dân Quảng Vinh hàng trăm tấn gạo, giúp vượt qua nạn đói giáp hạt cuối năm 1975. Năm 1976 và những năm tiếp theo, lãnh đạo xã động viên bà con đẩy mạnh sản xuất vụ lúa liên tục được mùa, sản lượng đạt trên 350-500 tấn/vụ.

Là một xã đông dân, song ruộng đất bình quân thấp, chỉ 1,5 sào/người nên thực hiện chủ trương của Nhà nước, chính quyền địa phương vận động bà con đi xây dựng kinh tế mới ở A Lưới, Hòa Mỹ, Tây Nguyên với 331 hộ, 1.522 khẩu. Do nơi ở mới gặp nhiều khó khăn nên một bộ phận trở về quê sinh sống. Từ vụ hè thu năm 1976, ở xã Quảng Vinh bắt đầu tiến hành vận động nông dân làm ăn tập thể để có điều kiện tăng năng suất, làm các dịch vụ thủy lợi.

Đời sống ổn định

10 năm trở lại đây, diện mạo Quảng Vinh có bước chuyển mình. Hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa xã, thôn cơ bản hoàn thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Quảng Vinh đã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), phấn đấu cuối năm 2018 địa phương hoàn thành các tiêu chí còn lại, được công nhận xã NTM.

Sau nhiều năm vượt gian khó, đời sống người dân Quảng Vinh từng bước đi vào ổn định. Từ sản xuất lúa một vụ lên hai vụ, kết hợp trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá ao hồ, kinh doanh dịch vụ... Ông Nguyễn Thơi (70 tuổi) ở Đông Vinh hồ hởi: “Nghèo khó giờ đây đã lùi xa. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, xây dựng đường sá, thủy lợi... nên đời sống người dân ngày càng ổn định, khấm khá. Chính quyền địa phương, HTX mua giống lúa mới cấp cho dân gieo cấy, không chỉ mang lại năng suất cao 60-65 tạ/ha, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, bán được giá, dễ tiêu thụ. Nhiều hộ trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô gia trại lãi 50-100 triệu đồng/năm, có điều kiện vươn lên khá giả”.

Vùng rú cát Quảng Vinh rộng lớn được huyện, xã đầu tư hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, di dân đến khai hoang, canh tác. Từ vùng cát hoang sơ giờ đây đã biến thành vùng kinh tế sôi động với hàng chục mô hình trang trại tổng hợp, được bao quanh, phủ xanh bằng những cánh rừng keo tràm. Nhiều mô hình trang trại lợn, gà, cá, gia súc, trồng cây ăn quả, rau màu... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như trang trại của các hộ: Nguyễn Văn Hứa, Trần Vĩnh Cườm, Trần Thiện Chương, Trương Trọng Đức, Nguyễn Thuận, Hồ Đăng Định...

“Một thời làm ăn khó khăn, cả gia đình phải dắt nhau lên Tứ Hạ để thuê mặt bằng bán cà phê. Tích lũy được ít vốn từ bán cà phê, gia đình tui lại quay về quê làm ăn sinh sống, chọn vùng rú cát đầu tư sản xuất. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp hơn 2 ha, tui xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò, trồng cây ăn quả. Từ quy mô vài trăm con gà, vài con lợn, đến nay mỗi năm trang trại xuất bán 25-30 ngàn con gà, hàng trăm con lợn; lãi trên 300 triệu đồng”, ông Hồ Đăng Định hồ hởi.

Bài, ảnh: Hoàng Triều