Thông báo kết luận nêu rõ, khối lượng tài liệu mà Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) được giao nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản rất lớn và có nhiều tài liệu rất có giá trị về nội dung và ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Những tài liệu này phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như kiến thức, kinh nghiệm và bài học của quá khứ từ đầu thế kỷ XIX đến nay, trong đó có những tài liệu quý giá là những bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của quốc gia. Nhiều tài liệu đã trở thành những di sản quý báu như: Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới; tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Khối tài liệu này đã được bảo vệ, bảo quản an toàn và bước đầu đã khai thác và phát huy giá trị. Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những đóng góp của ngành Lưu trữ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành lưu trữ đã làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc công bố tài liệu lưu trữ chưa được quan tâm đúng mức và còn một số hạn chế. Các hoạt động giới thiệu, triển lãm tài liệu lưu trữ còn lẻ tẻ, dựa theo các sự kiện của xã hội, chưa chuyên nghiệp và khoa học; khai thác giá trị khối tài liệu lưu trữ để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để làm tốt hơn nữa công tác lưu trữ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm tốt công tác bảo vệ an toàn các hồ sơ lưu trữ, tài liệu Châu bản, Mộc bản. Triển khai các giải pháp khoa học, có hiệu quả để bảo quản, gìn giữ và phát huy những tài liệu lưu trữ; các Châu bản, Mộc bản có giá trị lịch sử đặc biệt mang tinh hoa, hồn phách của dân tộc, qua đó giáo dục ý thức truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ đất nước và chủ quyền quốc gia.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá lại các Đề án, Dự án về bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đã triển khai, xác định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, kiến nghị các giải pháp phù hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ và phát huy tốt nhất những giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia. Việc bảo quản, giữ gìn, khai thác những tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa, lịch sử là trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành (Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư...).

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Bộ Nội vụ xây dựng Kế hoạch công bố, khai thác tài liệu lưu trữ một cách chuyên nghiệp, khoa học và có quy trình chặt chẽ, làm thường xuyên và có hệ thống. Đối với khối tài liệu chữ Hán, tài liệu tiếng Pháp, cần rà soát, thống kê lại những tài liệu nào đã dịch, tài liệu nào chưa dịch, từ đó có phương án, tổ chức nghiên cứu biên dịch đầy đủ, trên cơ sở đó thẩm định những tài liệu nào có thể công bố được thì tổ chức công bố một cách chính thức, dứt điểm. Có thể mời các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm dịch thuật Hán Nôm, tiếng Pháp tham gia quá trình dịch thuật, viết bài giới thiệu, công bố khối tài liệu này.

Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu các tài liệu lưu trữ và các tài liệu đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới để nâng cao nhận thức cho người dân, giới thiệu với bạn bè quốc tế về khối di sản có giá trị đặc biệt này.

Theo VPCP