Thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh (Hương Trà) không chỉ “nổi tiếng” vì còn “sót” lại xóm vạn đò cuối cùng trên dòng Hương mà đây còn là nơi sản sinh ra đội nữ đua ghe “chuyên nghiệp” của tỉnh “nức tiếng” gần xa. Cả đội gồm 12 chị đều gắn bó với “nghiệp” đua ghe từ năm 14,15 tuổi. Đến nay, người lớn tuổi nhất đã trên 50 nhưng không ai có ý định từ bỏ những giải thi đấu vì “đã trót đam mê”.

Sau mỗi giải đua, chị Thìn và chị Dung lại trở về với cuộc sống mưu sinh đời thường

Trên chiếc thuyền đơn sơ của gia đình chị Trần Thị Dung (48 tuổi), trong không gian nhỏ hẹp bừa bộn vật dụng gia đình, lưới đánh cá, nơi trang trọng nhất được chị dành để treo bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của cả đội giành được trong những lần tham gia các giải đua ghe lớn nhỏ. Chị Dung bộc bạch: “Đua nghe được xem như nghề gia truyền. Từ nhỏ, chị đã cùng các anh chị em theo cha mẹ làm nghề, tham gia đua ghe mỗi lần lễ hội. Đây cũng là dịp để trai tráng và chị em phụ nữ ở các làng quê ôn lại các “ngón chèo”. Sau này, cả 5 anh chị (3 nam, 2 nữ) đều nối nghiệp gia đình để tham gia đội đua của thôn, xã”.

Trong đội đua ghe nữ của xã Hương Vinh, chị Dung cùng em gái là chị Trần Thị Thìn (43 tuổi), một là người cầm lái để vạch đường chỉ lối và một đứng ở đầu mũi có nhiệm vụ giữ cho ghe thăng bằng. Cả hai phối hợp khéo léo chỉ huy cả đội trên đường đua xanh để giành chiến thắng. Chị Thìn kể: “Người tham gia đua ghe không chỉ có sức khỏe, biết chèo mà quan trọng hơn cả là biết cách phối hợp nhịp nhàng, đồng điệu với cả đội. Người cầm lái là người cầm mái chèo lớn nhất, được xem như “nhạc trưởng” của đội đua, vừa chỉ huy các tay chèo, vừa điều khiển hướng đi của ghe, nhất là khi lộn vè rốn”...

Dưới tài chỉ huy khéo léo của “nữ tướng” Trần Thị Thìn, đội ghe nữ Hương Vinh không chỉ “ẵm” giải ở các cuộc thi cấp xã, phường, cấp thị xã mà còn giành giải nhất trong các lần tham gia giải đua cấp tỉnh và đại diện cho Thừa Thiên Huế tham dự Đại hội thể dục thể thao (ĐH TDTT) toàn quốc (được tổ chức 4 năm một lần). Năm 2014, trong ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII, cả đội đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Thậm chí, không ít lần tham gia giải, khi biết chị Thìn là người cầm lái, các đội bạn còn phản đối, đòi đổi người vì... sợ thua.

Nổi tiếng trên đường đua, thế nhưng, đằng sau nó là những vất vả, nhọc nhằn, là những thiệt thòi ít ai biết. Chị Dung bày tỏ, không như các đội bạn thường có thời gian tập luyện và có chế độ hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi vì phải mưu sinh nên thường đến sát ngày diễn ra giải, cả đội mới gặp nhau để luyện tập, chế độ hỗ trợ hầu như không có. Không có kinh phí sắm chầm chuyên nghiệp (dụng cụ để chèo khi thi đấu, chỉ nặng khoảng 0,5kg) nên trong những lần tham gia, cả đội đều phải sử dụng chầm của ban tổ chức nặng trên 1kg.

Thi đấu hết mình, giải thưởng chỉ mang tính khích lệ, thế nhưng khi được hỏi, các chị đều cho rằng một khi “nghiệp bơi” đã ngấm vào “máu”, nếu còn sức, cứ tới giải cả đội lại tham gia. Tham gia để học hỏi và để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Bài, ảnh: Liên Minh