Hiệp hội Thép Việt Nam cho viết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện Chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, biên độ bán phá giá đối với thép cuộn nhập khẩu của Việt Nam ((Tập đoàn Hòa Phát) vào Australia chỉ là -1,3%. Như vậy, thép cuộn của Hòa Phát xuất khẩu vào Australia không bị coi là bán phá giá và ADC đã quyết định chấm dứt cuộc điều tra.
Trước đó, ngày ngày 7/6/2017, ADC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm dây thép dạng cuộn (rod in coil) từ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam. Vụ việc xuất phát từ yêu cầu điều tra của OneSteel, một nhà sản xuất thép của Australia kiện về hành vi bán phá giá đối với thép dây cuộn nhập khẩu của các doanh nghiệp từ Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc.
Do tính chất phức tạp của vụ việc, sau nhiều lần gia hạn điều tra, ADC đã ra phán quyết cuối cùng về vụ việc này vào ngày 26/03/2018. Bên cạnh kết luận đối với Việt Nam, ADC xác định biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu thép cuộn từ Hàn Quốc vào Australia là 20,9%, Indonesia vào Australia là 16%.
Theo quy định của WTO và luật thương mại của Australia, các loại hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia này có biên độ bán phá giá thấp hơn 2% sẽ không bị coi là bán phá giá.
Trong vụ việc này, bị đơn của phía Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động phối hợp với phía ADC trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn đại diện ADC thẩm tra trực tiếp trong tháng 8/2017. Đồng thời, Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của nguyên đơn (One Steel) và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh theo yêu cầu của ADC.
Cơ quan điều tra Australia đã kết luận, không có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến giá điện, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép của các doanh nghiệp sản xuất thép dây cuộn, trong đó có Hòa Phát và không tồn tại tình trạng thị trường đặc biệt đối với ngành thép dây cuộn tại Việt Nam. ADC đã sử dụng phương pháp so sánh giá thông thường tại thị trường nội địa và giá xuất khẩu để xác định biên độ phá giá.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã quyết định chấm dứt cuộc điều tra thép dây dạng cuộn nhập khẩu do biên độ bán phá giá của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam đều dưới 2% (biên độ phá giá tối thiểu) không gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất của Australia.
Phán quyết trên của ADC là tin vui với các nhà xuất khẩu thép của Việt Nam nói chung, và Hòa Phát nói riêng bởi Australia là thị trường khá tiềm năng. Năm 2017, Hòa Phát đã xuất khẩu sang Úc 36.000 tấn các loại thép cuộn rút dây, thép thanh. Còn năm 2018, tính đến thời điểm này, Hòa Phát đã xuất khẩu 4.200 tấn thép cuộn và thép thanh sang thị trường Australia.
Theo VOV