Ông Bửu Tộ cho rằng, “khuôn viên nhà thờ nhánh Phủ Tùng Thiện Vương tự động biến thành khu vực buôn bán từ 4 giờ 30 đến 9 giờ tối” (trong khuôn viên 79 Phan Đình Phùng có nhà thờ từ đường cụ Hồng Tích là con trai Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Đây chính là nơi mà ông Bửu Tộ cho rằng là nhà thờ nhánh Phủ Tùng Thiện Vương). Cùng với ý chính nêu ở đầu lá đơn, đơn ông Bửu Tộ nhiều lần nhắc đến Phủ Tùng Thiện Vương. Do đó, điều đầu tiên người viết phải xác định, nhà 79 Phan Đình Phùng có nằm trong khuôn viên Phủ Tùng Thiện Vương hay có liên quan gì về mặt di tích? Bởi lẽ, Phủ Tùng Thiện Vương nằm trong danh sách kèm theo Quyết định 1046 ngày 8/10/1993 của UBND tỉnh về việc bảo vệ đợt 1 các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
 
Quá trình xác định, cơ quan chức năng cho biết, nhà 79 Phan Đình Phùng không nằm trong khuôn viên Phủ Tùng Thiện Vương, cũng không được xếp hạng, bảo vệ về di tích hay danh lam thắng cảnh nên không chịu điều chỉnh của Luật Di sản và quy định của tỉnh về bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh trong quá trình sử dụng. Điều này người viết phảiđã nêu trong bài báo nói trên.
 
Vấn đề tiếp theo, ông Bửu Tộ đưa ra là: nhà 79 Phan Đình Phùng TP Huế, thuộc sở hữu chung của các con cụ Hồng Tích. Ông Bửu Tộ gửi kèm theo Trích lục án dân sự của tòa án và cho rằng, đã là tài sản chung thì phải được sự cho phép của tất cả những người sở hữu chung mới được kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, tòa án chỉ xác định: “Ngôi nhà 41 (số mới 79) Phan Đình Phùng là di sản thừa kế của các con ông Hồng Tích, trong đó có vợ chồng ông Bửu Quốc và bà Nguyễn Thị Lợi. Chấp nhận sự thỏa thuận của gia tộc,gia đình và con cháu bà Nguyễn Thị Lợi vẫn đượctiếp tục ở và quản lý, sử dụng ngôi nhà 41 Phan Đình Phùng như từ trước đến nay và sau này”. Như vậy,tòa án cấm những người này không được mua bán  nhà 79 Phan Đình Phùng chứ không cấm việc kinh doanh mua bán tại nhà này. Những người này đã được giao quyền sử dụng và việc sử dụng phải tuân theo pháp luật. Do đó, người viết phải xác định, việc kinh doanh buôn bán của ông Nguyễn Mạnh Hùng có được Nhà nước cho phép hay không?
 
Ông Hùng đã xuất trình các loại thuế, chứng tỏ cơ quan chức năng chấp nhận việc kinh doanh này. Điều này người viết cũng đã nêu trong bài báo (cần nói thêm là, đồng ý hay không đồng ý việc kinh doanh tại 79 Phan Đình Phùng là việc của nội bộ gia tộc. Vấn đề này chỉ có chính quyền và tòa án giải quyết nếu có khiếu nại.
 
Để xác minh việc buôn bán tại nhà 79 Phan Đình Phùng của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng có gây ồn ào mất trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ xung quanh như phản ánh hay không, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND phường Vĩnh Ninh. Ông Bùi Ngọc Chánh, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh khẳng định, việc kinh doanh buôn bán tại 79 Phan Đình Phùng chưa bao giờ gây ra ồn ào mất trật tự như phản ánh. Do đó, phường cũng chưa bao giờ phải xử lý về vấn đề này.
 
Tuy nhiên tại Công văn số 320 ngày 9/7/2013 của UBND phường Vĩnh Ninh gửi UBND TP Huế, có viết “Về việc kinh doanh, buôn bán gây ồn ào ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, UBND phường đã có biện pháp nhắc nhở và xử lý theo quy định của pháp luật”, chúng tôi yêu cầu phường cung cấp biên bản xử lý, thì ông Chánh cho biết: Câu chữ trong văn bản là do trình độ của cán bộ, nên trình bày không rõ ràng. Sự thật: sau khi nhận đơn của ông Bửu Tộ, phường đã đến kiểm tra, nhắc nhở. Nếu để xảy ra ồn ào mất trật tự thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Một lần nữa, ông Chánh khẳng định “không có việc ồn ào, mất trật tự nên phường chưa bao giờ xử lý”.
 
Như vậy, tác giả bài báo “Việc buôn bán tại nhà 79 Phan Đình Phùng, TP Huế: Không liên quan đến Phủ Tùng Thiện Vương” không viết điều gì sai sự thật, như khiếu nại của ông Bửu Tộ.
Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính