Về mặt địa lý, Mekong nằm ở trung tâm của khu vực liên Ấn Độ – Thái Bình Dương, cùng lúc, đây cũng là trung tâm phát triển mới, biên giới chiến lược của châu Á. Do đó, hợp tác Mekong – Nhật Bản chính là một trong những chìa khóa quan trọng, đóng một vai trò lớn để tiến đến đạt được tầm nhìn chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Hợp tác Mekong – Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ảnh: Khmer Times

Tính đến thời điểm hiện tại, Mekong, Nhật Bản đang cùng nhau phát triển trong một cơ chế hợp tác đa tầng thông qua các thỏa thuận được hình thành tại nhiều cuộc thảo luận bao gồm: Hội nghị bộ trưởng Mekong – Nhật Bản năm 2008, hội nghị thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản 2009, diễn đàn Mekong xanh 2011 cùng nhiều đối thoại chiến lược khác. Đặc biệt, vào năm 2015, phía Nhật Bản đã giới thiệu chiến lược phát triển mới cho mối quan hệ Mekong – Nhật Bản nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác theo 4 trụ cột chính bao gồm: tập trung vào những nỗ lực “cứng” liên quan đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như quan tâm thúc đẩy triển khai các nỗ lực “mềm” trong công tác phát triển nguồn nhân công nghiệp và kết nối. Ngoài ra, các nước thành viên cũng cần đẩy mạnh phát triển bền vững về giảm thiểu tối đa rủi ro của thiên tai, bảo tồn, sử dụng lâu dài các nguồn lợi thuỷ sản và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan khác nhau...

Phát biểu tại diễn đàn về hợp tác Mekong – Nhật Bản, diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) vào ngày 24/3 vừa qua, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe Kentaro Sonoura nhấn mạnh, mục đích chính của mối quan hệ hợp tác này là triển khai tăng trưởng có chất lượng để hỗ trợ thúc đẩy quá trình phát triển của Mekong và ASEAN, từ đó trợ giúp khu vực châu Á, bao gồm cả Nhật Bản cũng đạt đến mức độ ổn định, thịnh vượng cao nhất. Xét về cục diện chung, đây chính là mục tiêu sâu xa mà chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở đang cố gắng đạt được.

Từ quan điểm của Nhật Bản, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ thể hiện xuyên suốt định hướng của ba trụ cột chính: phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, kinh tế thị trường, tăng cường kết nối thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện môi trường kinh doanh. Thêm vào đó, nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định trong công tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước duyên hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, giải quyết vấn đề khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Một khi các cấp lãnh đạo kết hợp thành công bốn trụ cột trong chiến lược Nhật Bản và ba trụ cột của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, dự kiến sự phát tiển của khu vực sẽ ngày càng đạt được nhiều thành quả rõ nét trong tương lai.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Nikkei News & Khmer Times)