Nhà của vợ chồng B - H tạm bợ, mái lợp tôn. “Tường” nhà là những tấm phên đan bằng tre, thưa đến nỗi chỉ một cơn mưa nhỏ cũng ướt. Người mẹ trẻ 22 tuổi có gương mặt xinh xắn với đôi mắt to. Chị cúi ánh mắt thăm thẳm buồn, nâng niu đứa con gái bé nhỏ vừa thoát khỏi “tử thần”, đang vô tư nhoẻn miệng cười, khiến người đối diện không khỏi nao lòng.

H kể, nhà nghèo nên H phải về xã Bình Điền trồng sắn thuê. B cũng là “dân” trồng sắn thuê như vậy. Hai người gặp, đem lòng yêu thương nhau rồi cưới. Nhà B khó khăn hơn, đôi vợ chồng trẻ được nhà vợ “cắt” cho khoảnh đất dựng nhà tạm. Tiền mừng cưới dư được hơn 2 triệu, dùng để mua tôn lợp, mấy cột nhà vợ chồng “kiếm” trong rừng... Vật dụng chẳng có gì ngoài chiếc giường và mấy nồi niêu bát đũa.

Vất vả đã quen, nên vợ chồng B - H chỉ còn cách cố gắng làm thuê làm mướn, tích cóp tiền chờ ngày đứa con ra đời. “Chồng em chỉ thích con trai, nên lúc nào cũng bảo em phải sinh cho được con trai. Vậy nên khi biết em sinh con gái, chồng em không hề bồng con một lần. Mẹ con em từ bệnh viện về được 3 ngày, tối đó chồng em đi uống rượu. Khi chồng em về thì đã 10 giờ đêm. Chồng em bật điện. Em bảo anh đừng bật điện mà con thức giấc. Chồng em nói “con bé không phải là con tau”. Bực quá em nói lại “không phải con mi thì con tau, để tau nuôi”. Chồng em hét!“Không phải con tau thì tau giết”. Vậy là...”

Nhìn đứa bé đang nhoẻn cười, người mẹ trẻ càng thêm ngậm ngùi. H kể, thấy con bị ném xuống đất, con bé không khóc được tiếng nào, mặt đầy máu, chồng thì vẫn hung hãn xông tới, chị hoảng hốt cuống cuồng bồng con chạy qua nhà hàng xóm trốn. Người mẹ trẻ nhớ lại: “Lúc đó, chồng em vẫn đứng phía ngoài gào lên: “Tau phải giết con bé, hôm ni không giết được thì mai giết”, làm em sợ quá không nghĩ được gì nữa”. May có hàng xóm trợ giúp, người thì đi báo công an thôn, người đưa đứa bé về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền. “Em hoảng loạn nên đêm đó không theo con về bệnh viện. Con không có sữa bú nên lại được đưa về nhà. Về nhà, có sữa mẹ, nhưng con cũng không chịu bú. Em lo lắng lắm, nhưng không có tiền nên chẳng biết làm sao. May mà mấy anh công an (các cấp - pv) khi đến làm việc, thấy tình cảnh như vậy cho em ít tiền, bảo em đưa bé đi bệnh viện. Góp lại được hơn 1 triệu đồng, em đưa con về bệnh viện. Mẹ con em cảm ơn mấy anh công an đó lắm...”

Chồng bị tạm giam, một mình ôm đứa con 2 tháng tuổi, không làm được gì ra tiền, H phải nhờ sự đùm bọc của gia đình để sống. Chỉ là cơm rau muối đạm bạc, nhưng nhờ trời, H vẫn có sữa cho con. Khổ cực vất vả sẽ còn lê thê theo thời gian chồng chấp hành hình phạt của pháp luật, cuộc sống của hai mẹ con rồi không biết sẽ ra sao, nhưng giãi bày nỗi lòng của người mẹ có con là nạn nhân bị xâm hại sức khỏe, đe dọa đến tính mạng, mà kẻ thủ ác chính là người cha, chị H nói như đinh đóng cột: “Em không ân hận vì đã báo công an bắt chồng. Chồng em phải được giáo dục, cải tạo để sau này thành người tốt”.

Bây giờ, ngồi trong trại tạm giam, đối mặt với hình phạt của pháp luật và đứng trước nguy cơ tan “mất” vợ con, có lẽ B mới “tỉnh ngộ”, nhưng đã quá muộn. Đây cũng là cảnh tỉnh cho những ai có tư tưởng trọng nam khinh nữ, dẫn đến những hành động thái quá, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí phải bị xử lý về hình sự.

Phạm Thùy Chi