“Sớm tiến hành nhiều công việc liên quan đến Sân bay Phú Bài” là kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào chiều 21/3 tại Hà Nội (nguồn Thuathienhue.gov.vn). Theo cùng với kết luận này, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu Quy hoạch điều chỉnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt để chỉ đạo việc điều chỉnh lại Quy hoạch chi tiết Sân bay quốc tế Phú Bài và cần phải đưa vào Quy hoạch chi tiết một số hạng mục phát triển bền vững và lâu dài. Những điều này đã được xác lập dựa trên tầm quan trọng của cảng hàng không quốc tế này đối với sự phát triển của khu vực nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Chưa phải là tất cả sẽ được thực hiện ngay, song thông tin này đã mang đến rất nhiều phấn chấn. Dù được định danh là sân bay quốc tế vào cuối tháng 8/2007 và trở thành sân bay quốc tế thứ tư trong cả nước, nhưng Phú Bài vẫn chỉ là một sân bay nhỏ ở địa phương. Tháng 9/2013, sau khi dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác, sân bay có công suất phục vụ đạt 1,5 triệu hành khách/năm. Nhưng năm 2017 vừa qua, lượng khách thông qua cảng đã đạt 1,75 triệu hành khách (gần ½ lượng khách đến); tốc độ tăng trưởng từ 2014 đến 2017 là 15%/năm. Và dù là sân bay quốc tế, nhưng hiện tại, chỉ có 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar Pacific đang khai thác chặng bay Hà Nội - Huế - Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – Huế - TP. Hồ Chí Minh, Huế - Đà Lạt và Huế-Bangkok (không thường xuyên).
Không thể so sánh với quy mô, sự bận rộn và tính chuyên nghiệp của Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi – nơi mà hành khách có thể đặt vé bay từ Huế với những chuyến bay không thường xuyên, nhưng nếu nói về sự tương quan, có lẽ Phú Bài cũng còn nhỏ hơn một số sân bay của các địa phương khác. Trong thời điểm hiện tại, lượng khách qua cảng đã vượt công suất 250.000 người. Áp lực này sẽ tăng lên trong thời gian tới, khi dự báo với mức tăng trưởng từ 13-17% như trong khoảng thời gian từ 2016-2020, đến năm 2020, lượng khách qua cảng sẽ đạt mức 3-3,5 triệu và đến năm 2025, con số này sẽ là 6,5 đến 7 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng về lượng khách khi Thừa Thiên Huế trong thời gian tới khi có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp kèm sân golf, dịch vụ casino trong khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô…
Trong một cuộc trò chuyện cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã chia sẻ về sự cần thiết và quan trọng cũng như những nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy việc đầu tư hạ tầng, mở rộng tầm, quy mô của Sân bay quốc tế Phú Bài. Từ đó, mời gọi và mở thêm nhiều chuyến bay tới Huế và từ Huế tới nhiều điểm đến trong nước và quốc tế của nhiều hãng bay. Những điều này có lẽ sẽ được thực hiện trong một thời gian không xa nữa. Ngay trong lúc này, tôi đã mường tượng về một ngày mà Sân bay quốc tế Phú Bài sẽ đón khách qua cửa với hệ thống kiểm tra an ninh hiện đại, chuyên nghiệp chứ không phải là một sự tăng cường máy móc rất tình huống khi trở về từ Bangkok…
Dĩ nhiên lúc ấy, Phú Bài cũng sẽ trở thành một sân bay bận rộn hơn với mật độ đáp và hạ cánh máy bay của nhiều hãng hàng không, cũng như hành khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn bằng đường hàng không bên cạnh đường bộ, đường sắt và đường biển. Khi ấy, vị thế của một điểm đến chắc chắn đã khác. Không hẳn là liên quan, nhưng một tin vui khác cũng đến từ tuần qua là trang du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới Tripadvisor đã chọn Huế là 1 trong 8 điểm đến hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á cùng với Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh.
MINH HÀ