Từ chính sách hỗ trợ nhà vườn, các nhà vườn ở Thủy Biều thu hút du khách tham quan và thưởng thức ẩm thực
Áo mới
Có tuổi đời trên 100 năm, được xây dựng trên diện tích 1.720m2, qua thời gian, nhà vườn Hoàng Xuân Bậc ở phường Kim Long đã xuống cấp, dột nát và không còn giữ nguyên trạng. Do diện tích nhà quá rộng, chi phí sửa chữa lớn nên gia đình chưa có điều kiện tu sửa.
Cuối năm 2016, từ đề án hỗ trợ nhà vườn của T.P Huế với số tiền 500 triệu đồng, gia đình triển khai đầu tư nâng cấp, sửa chữa toàn bộ hệ thống nhà rường, lát nền gạch hoa, sơn nhà, cải tạo vườn và trồng cây xanh.
Chủ nhà vườn Hoàng Xuân Bậc, ông Hoàng Xuân Tiệp cho rằng, sau khi đầu tư nâng cấp, hiện ngôi nhà đã hoàn thiện, khang trang và sạch đẹp hơn nhiều so với trước nên lượng khách đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực ngày càng đông. Ngoài 500 triệu đồng được đề án hỗ trợ, gia đình đầu tư thêm 200 triệu đồng xây dựng khu ẩm thực, kết hợp tham quan nhà vườn.
Khu vườn của ông Hồ Văn Bình được tôn tạo và trồng xây xanh sau khi nhận được 600 triệu động từ đề án "Chính sách hỗ trợ NVH"
Tại nhà vườn Hồ Văn Bình ở 26 Phạm Thị Liên, sau 7 tháng thụ hưởng đề án, hiện ngôi nhà hơn 100 năm tuổi tọa lạc trên diện tích 1.500m2 như được khoác áo mới, khang trang và sạch đẹp. Với tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng, Ban quản lý & bảo vệ NVH phối hợp với gia đình tiến hành tu bổ, phục hồi, nâng cấp các hạng mục hư hỏng, xuống cấp; đồng thời thay mới hệ thống cửa, tôn tạo khuôn viên vườn.
Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long - ông Mai Công Khánh cho biết, trên địa bàn phường có 15 nhà vườn đưa vào kế hoạch trùng tu, sửa chữa; trong đó đã có 5 nhà được nhận kinh phí từ đề án “Chính sách hỗ trợ NVH”. Trong năm 2018, UBND phường sẽ tiến hành khảo sát, vận động các nhà vườn còn lại tham gia đề án nhằm góp phần nâng cao sức thu hút đối với du khách, làm phong phú và đa dạng các loại hình di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.
Tiếp tục hỗ trợ
Theo Ban quản lý & Bảo vệ nhà vườn Huế, những nhà vườn tham gia đề án ẽ được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo theo 3 mức, trong đó nhà xếp loại 1 được hỗ trợ tối đa không qúa 700 triệu đồng, loại 2 không quá 500 triệu đồng và 400 triệu đồng đối với nhà loại 3. Đề án còn hỗ trợ các nhà vườn duy trì cảnh quan vườn, mua cây giống, thuế đất, kinh doanh tham quan du lịch và xây mới nhà vệ sinh, phòng thính nhạc và phòng ngủ cho khách lưu trú. |
Theo thống kê của UBND TP. Huế, hiện trên địa bàn có khoảng 100 nhà vườn, trong đó có 25 nhà vườn tham gia đề án hỗ trợ. Sau 2 năm triển khai, hiện có 9 nhà được trùng tu, sửa chữa với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho các chủ nhà gần 2,5 tỷ đồng. Hiện, Ban quản lý & bảo vệ NVH chỉ mới tạm ứng cho các đơn vị thi công 50% kinh phí xây dựng và cải tạo nhà vườn, số còn lại sẽ thanh toán sau khi các đơn vị thi công hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định của nhà nước. Năm 2018, đề án tiếp tục hỗ trợ trùng tu 3 nhà vườn tại phường Thủy Biều, đồng thời tiếp tục vận động, khảo sát để nâng số lượng nhà vườn được trùng tu, sửa chữa lên từ 25- 40 nhà, đáp ứng nhu cầu tham quan và thưởng thức dịch vụ ẩm thực, đa dạng hóa loại hình du lịch.
Các nhà vườn sau khi hỗ trợ trùng tu, sửa chữa đều phát huy giá trị, số lượng khách du lịch đến nhiều hơn nên doanh thu từ các dịch vụ cũng tăng lên; đây chính là mục tiêu mà đề án hướng đến. Bên cạnh những thuận lợi, hiện nhiều nhà vườn do kinh phí trùng tu quá lớn, trong khi việc huy động nguồn vốn đối ứng gặp khó khăn; nhiều nhà vườn đều là đồng thừa kế nên rất khó khăn trong việc quyết định dẫn đến một số chủ nhà vườn xin rút khỏi đề án.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế Trần Song, năm 2018, UBND TP. Huế tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ để bảo vệ từ 25-40 nhà vườn đặc trưng, đồng thời hình thành và phát triển các tour du lịch tham quan nhà vườn.
Cùng với đề án, Ban sẽ nghiên cứu phát triển sản phẩm hàng lưu niệm về nhà rường Huế làm sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Huế nhằm khai thác và phát huy hiệu quả kinh tế của nhà vườn.
Bài, ảnh: KHÁNH THƯ