Kỳ họp của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tại London khởi động vào thứ 3 tuần tới sẽ đối mặt với các yêu cầu về việc ngành này phải giảm thiểu lượng khí thải CO2.

Ngành vận tải biển quốc tế phát thải khoảng 1.000 triệu tấn CO2 mỗi năm. Ảnh: BBC/Getty Image

Một nhóm các quốc gia do Brazil, Ả-rập Xê-út, Ấn Độ, Panama và Argentina dẫn đầu đang đấu tranh chống lại việc áp dụng các mục tiêu phát thải CO2 lên ngành vận tải biển.

Trong văn bản trình tới cuộc họp nói trên, các nước cho rằng hạn chế tổng lượng phát thải của các tàu vận tải sẽ kìm hãm thương mại toàn cầu, cũng như có thể buộc người ta lựa chọn các loại hình vận chuyển kém hiệu quả hơn để lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, lập luận này bị nhiều nước khác bác bỏ vì cho rằng ngành vận chuyển thực sự có thể có lợi nếu chuyển sang các công nghệ ít phát thải hơn.

"Khi các khu vực khác có biện pháp giải quyết biến đổi khí hậu, vận tải biển quốc tế có thể bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi kêu gọi các thành viên khác của IMO giúp xây dựng một chiến lược đầy nỗ lực để cắt giảm lượng khí thải từ các con tàu”, Bộ trưởng Vận tải Anh Nusrat Ghani phát biểu.

Vương quốc Anh, với sự hỗ trợ của các nước châu Âu khác, đang trong tiến trình đưa ra đề xuất giảm mức phát thải của năm 2008 xuống 70-100% vào năm 2050.

Vấn đề trên đã ngày một nghiêm trọng qua nhiều năm. Vì ngành vận tải biển mang tính quốc tế nên nó tránh được ảnh hưởng bị cắt giảm lượng carbon trong các cuộc đàm phán hàng năm của LHQ về biến đổi khí hậu.

Thay vào đó, các quyết định đã được đẩy sang cho IMO, một cơ quan gần đây hứng chịu nhiều chỉ trích vì thiếu trách nhiệm giải trình và minh bạch.

Năm 2011, IMO đã đồng ý đảm bảo rằng các tàu mới đưa vào hoạt động sẽ tăng 30% hiệu quả giảm phát thải vào năm 2025. Tuy nhiên, không có quy định nào để giảm phát thải từ các con tàu hiện đang hoạt động.

Liên minh Vận tải Sạch (CSC), một nhóm hoạt động môi trường tập trung vào các tàu thủy, cho biết vận tải biển phải tuân theo thỏa thuận được thực hiện ở Paris để ổn định sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu đến 1,5 độ C.

Vì vậy, IMO đang chịu áp lực phải đưa ra một chính sách đầy tham vọng. Liên minh Châu Âu (EU) đã đe dọa rằng nếu IMO không nỗ lực đúng mức, EU sẽ là người đưa ra các quy định về vận tải của châu Âu, qua đó tước bỏ một số thẩm quyền của IMO.

Một báo cáo mới đây từ nhóm chuyên gia về các nước giàu của OECD cho biết, việc triển khai tối đa các công nghệ sẵn vẫn có thể giúp đạt được mục tiêu cắt giảm hoàn toàn phát thải carbon trong vận tải hàng hải vào năm 2035.

Ngành vận tải biển quốc tế phát thải khoảng 1.000 triệu tấn CO2 mỗi năm - nhiều hơn toàn bộ nền kinh tế Đức.

Thế Vĩnh (lược dịch từ BBC)