Tái hiện mô hình rớ cá tại cầu Ngói Thanh Toàn. Ảnh: Đức Quang
Thủy Thanh nằm cách trung tâm thành phố du lịch nổi tiếng là TP. Huế chưa đầy 10 km, đường đi rất thuận lợi. Nếu tính từ phía tây TP. Huế thì được kết nối bởi một con đường rất rộng là Thủy Dương - Tự Đức; về phía đông là Thủy Dương - Thuận An; từ “lõi” TP. Huế là những con đường lớn xuất phát từ khu đô thị An Cựu City... Ngoài sự kết nối giao thông thuận lợi thì đường đi cũng đẹp. Muốn đến Thủy Thanh phải băng qua một cánh đồng lúa mênh mông, có con kênh, bờ đê, những hàng cây, khóm tre... một không gian hết sức trữ tình của cảnh làng quê. Điều này có khả năng tạo nên một cảm xúc thích thú đối với người dân đô thị.
Ngoài những điều nói trên, sự hấp dẫn của Thủy Thanh chính là một nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa, trong đó có cầu ngói Thanh Toàn hết sức độc đáo.
Nước ta những nơi có cầu ngói không nhiều. Ngoài chùa Cầu Hội An (Quảng Nam), còn có cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), cầu Ngói chợ Thượng và cầu Ngói chùa Lương (Nam Định). Những chiếc cầu ngói có tuổi đời nhiều trăm năm. Với số lượng ít ỏi như vậy nên có thể nói địa phương nào sở hữu được những chiếc cầu ngói là thuộc hàng “của hiếm”. Ở Thủy Thanh còn có sự độc đáo nữa là nhà trưng bày nông cụ.
Đối với cầu Ngói Thanh Toàn, vào mỗi dịp Festival Huế, nơi đây đều tổ chức các hoạt động văn hóa mang đậm chất làng quê và thu hút được rất đông du khách. Nghĩa là cầu Ngói Thanh Toàn đã được nhiều người biết đến và trở nên nổi tiếng.
Từ những ưu thế như vậy, làm thế nào để phát huy, biến nơi đây thành một địa điểm du lịch là điều chúng ta cần nghĩ đến. Ý tưởng về xây dựng chợ đêm, xem chợ đêm cầu Ngói Thanh Toàn là một nội dung để phát triển du lịch, tạo điểm nhấn để từ đó nó có sức lan tỏa ra ban ngày là một ý tưởng cần thiết tổ chức để phát huy.
Nội dung của vùng du lịch cầu Ngói Thanh Toàn, nhất thiết phải xây dựng, gìn giữ, tạo dựng chất “làng quê” cho một vùng không gian, trong đó có không gian thiên nhiên, không gian tạo dựng (nếu có); cái chất “chất phác” của người dân sống trong không gian đó. Du khách cũng như người dân sống ở các đô thị tìm đến đây là họ tìm kiếm những điều đó.
Nếu tổ chức chợ đêm phải nghĩ đến việc tạo ra một không gian làng quê thế nào; nếu tổ chức ẩm thực thì loại ẩm thực gì; nếu buôn bán các sản phẩm du lịch thì sản phẩm gì; nếu tổ chức các hoạt động văn hóa thì nội dung các hoạt động văn hóa đó ra sao?
Mục tiêu của chợ đêm cầu Ngói Thanh Toàn cũng nên kỳ vọng ít thôi, không thể nào so sánh với chợ đêm ở Hội An – là một vùng du lịch nổi tiếng. Mục tiêu ban đầu là thu hút một lượng du khách, người dân các nơi đến đây thăm thú chợ đêm cầu Ngói Thanh Toàn hơn bây giờ vài chục phần trăm là đã thành công. Từ đó có thể bổ sung, thay đổi các nội dung sinh hoạt văn hóa để làm phong phú thêm cho nội dung hoạt động.
Nói gì thì nói cũng phải tạo dựng một không gian đẹp. Không gian này là không gian làng quê. Điều này không ai có một “mắt nhìn” tốt hơn là các họa sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa am hiểu về văn hóa nông thôn. Cũng có thể đi học tập một số nơi tương tự để có thể rút ra những điều phù hợp với cầu Ngói Thanh Toàn có thể áp dụng được.
Nguyên Lê