1. T. 21 tuổi, sau khi học xong nghề đầu bếp, có ý định từ Đà Nẵng ra Huế kiếm việc làm, muốn tự nuôi sống bản thân, không “làm phiền” đến cha mẹ. Ra Huế với số tiền ít ỏi ban đầu, sau mấy ngày thuê nhà trọ, ăn uống, chơi game thì “cạn vốn”. Khi L. (một người quen trong quán net) rủ đi trộm cắp xe đạp điện bán lấy tiền, T. liền gật đầu. Thủ đoạn của cả hai là đến những khu vực công cộng, nơi có nhiều các bạn sinh viên, học sinh để ra tay. T. chủ động đến làm quen nói chuyện, khiến nạn nhân mất tập trung. Lợi dụng lúc đó, L. “chôm” xe. Bằng cách đó, T. và L. thực hiện liên tiếp 5 vụ. Xe đạp điện sau khi trộm cắp được, cả hai đem bán lấy tiền tiêu xài hết. Thời điểm gây án, L. chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nên đã bị xử phạt hành chính.

Trả lời câu hỏi của tòa, tại sao không kiếm việc làm như ý định ban đầu, mà lại đi trộm cắp? Không nghề nghiệp, sống bằng tiền trộm cắp tài sản được nên hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất chuyên nghiệp, sẽ bị pháp luật xử lý nặng hơn. T. khai, khi bước vào cuộc sống tự lập mới thấy việc kiếm việc, kiếm tiền rất khó khăn. Nhưng đã trót hứa với cha mẹ là sẽ tự lập, nên ngại không quay về nhà “cầu cứu”. Cũng định trộm cắp vài vụ, “tích cóp” một số vốn, bị cáo sẽ tu chí làm ăn. Ai ngờ lại bị sa lưới pháp luật...

Tòa cho rằng, bị cáo hết đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Trộm cắp để lấy vốn làm ăn, động cơ đã quá sai, hành vi liều lĩnh. Sau khi đứng ở đây, chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình, bị cáo phải nhận thức lại, mới mong thay đổi được.  Lẽ ra khi khó khăn, bị cáo phải nhờ cha mẹ giúp đỡ, hỗ trợ. Không cha mẹ nào lại từ chối điều đó với con mình.

Mẹ T. thẫn thờ như người mất hồn, khi hội đồng xét xử yêu cầu đứng dậy trả lời với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án (vì đã bồi thường thay cho bị cáo), chị giật mình, mắt đỏ hoe. Người mẹ đó tâm sự, đã từng rất mừng khi T. nói sẽ dùng nghề học được ra Huế kiếm việc làm, tự lập. Ai ngờ lại ra nông nỗi. Con sai đường, người làm cha làm mẹ đau lòng, lo lắng nhất.

2. Cũng vì quá đau lòng và lo lắng cho tương lai của con mà mẹ của N. (cùng ngày, bị TAND TP Huế xét xử về tội trộm cắp tài sản) quyết định “nhờ” pháp luật xử lý, “đưa” con vào tù giáo dục, rèn luyện. Những năm trước đó, N. từng bị Cơ quan điều tra Công an TP Huế khởi tố về hành vi “đánh bạc” (nhưng được đình chỉ điều tra), từng bị xử phạt hành chính về hành vi “gây rối trật tự công cộng”, từng bị TAND TP Huế xử 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị xử phạt hành chính về hành vi “hủy hoại tài sản”; bị ngồi tù 6 tháng về tội “cố ý gây thương tích” và ngồi tù 2 năm về tội “trộm cắp tài sản”...

“Lần này, nó lại trộm. Tui đành báo với công an. Làm cha, làm mẹ chẳng ai muốn “đẩy” con vô tù, xót xa, day dứt lắm. Nhưng vì con hư quá, đành phải cầu cứu đến pháp luật. Chỉ mong trong thời gian cách ly khỏi xã hội, xa rời bạn bè xấu, được cán bộ trại nghiêm khắc giáo dục, rèn luyện, hy vọng con tui thay đổi”- Mẹ bị cáo N. tâm sự trong nước mắt.

N. lí nhí nói lời xin lỗi mẹ, hứa sẽ cố gắng thay đổi, trước khi theo công an về lại trại tạm giam. Hi vọng, lời hứa ấy sẽ được các bị cáo như T., như N. và nhiều bạn trẻ trót lỗi lầm khác hực hiện, cho cuộc sống bản thân và gia đình hạnh phúc; góp phần để xã hội ngày một tốt đẹp.

DUY TRÍ