Niềm vui an cư

Bà Nguyễn Thị Quế là một hộ nghèo của tổ dân phố 2, phường Phú Hiệp, TP. Huế. Bà ở cùng vợ chồng người cháu ruột tại căn nhà rách nát, xập xệ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão đến. Anh Nguyễn Đôn Thương, cháu gọi bà Quế bằng o ruột, vì mưu sinh phải nuôi heo nên nhiều năm liền hộ dân này phải sống trong ngôi nhà vừa chật chội, vừa hôi hám. Các con của anh Thương cũng không được đảm bảo về môi trường sinh sống và học tập.

Đảng ủy, chính quyền phường Phú Hiệp và các đoàn thể đã cùng chung tay vận động, thuyết phục được dòng họ chia cho bà Nguyễn Thị Quế 70m2 đất và đã đưa vào chương trình xóa nhà tạm. Tổng chi phí xóa nhà tạm của bà là 250 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng, còn lại là tiền đối ứng do bà Quế và anh Thương vay mượn. Ngày được tin UBND phường thông báo được xóa nhà tạm, bà Quế và anh Thương vui mừng, phấn khởi. Sau khi xây dựng được căn nhà ở khang trang, các thành viên trong hộ bà Quế ai cũng mừng vì ước mơ cả đời đã được thành hiện thực. Anh Thương sau khi có nhà ở khang trang đã bỏ nuôi heo và chuyển sang làm công việc khác phù hợp hơn.

Nhiều cách làm hay

Thực hiện chương trình “Vì người nghèo” của TP. Huế, hằng năm Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường Phú Hiệp đều có kế hoạch xóa nhà tạm cho các hộ nghèo đủ điều kiện. Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp, cho biết, quy trình để một hộ dân được đưa vào chương trình xóa nhà tạm là: Trong danh sách hộ nghèo, tổ dân phố, Ban Chỉ đạo giảm nghèo sẽ khảo sát để công nhận đủ các điều kiện xóa nhà tạm như nhà rách nát, có nguy cơ đổ sập mùa mưa bão... “Tiêu chí cứng để đưa vào chương trình xóa nhà tạm phải là hộ nghèo, có vốn đối ứng và đất không có tranh chấp”, bà Thu cho biết thêm.

Trong các cuộc họp vào thứ sáu hàng tuần, UBND phường Phú Hiệp luôn yêu cầu cán bộ lao động - thương binh & xã hội báo cáo về tiến độ xây dựng nhà thuộc chương trình xóa nhà tạm. Ngày thứ hai, trong phiên họp trực báo, Đảng ủy phường cũng chỉ đạo sát sao về việc này. UBND phường và các đoàn thể luôn tạo điều kiện để người dân sớm làm nhà ổn định cuộc sống. Khi hoàn thành nhưng thiếu một số vật dụng như cửa chính, cửa sổ, cổng..., UBND và UBMTTQVN phường tiếp tục vận động các “mạnh thường quân” giúp đỡ thêm. Ở một số trường hợp vì lý do khách quan như ở đất dòng họ, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể đã vận động Nhân dân hiến, tặng đất để người dân có cơ hội được xóa nhà tạm.

5 năm trở lại đây (2013 - 2017), đã có 18 trường hợp hộ nghèo phường Phú Hiệp được xóa nhà tạm với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó tiền Nhà nước hỗ trợ là 400 triệu đồng và có 2 trường hợp được Công ty TNHH Bia Huế hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phường Phú Hiệp, địa phương có tỉ lệ đất thừa kế cao. Nếu được dòng họ đồng ý cho, tặng đất..., hộ dân thuộc diện xóa nhà tạm thường cố gắng vay mượn tiền đối ứng để xây dựng, sửa chữa nhà khang trang hơn.

Bà Thu chia sẻ: “Phường Phú Hiệp thấp lụt, thường chịu ảnh hưởng nặng khi mùa mưa bão đến nên khi xóa nhà tạm, bà con sẽ tập trung vào việc buôn bán làm ăn, phát triển đời sống kinh tế”.

Nguyễn Văn Toàn