Âm nhạc mang đến cảm xúc cho chính ca sĩ, nhạc công và cả khán giả

Gặp gỡ nhau ở niềm đam mê âm nhạc, ba chàng trai ở ba độ tuổi, ba nghề nghiệp khác nhau “hợp rơ” thành nhóm nhạc “101 band”. Nhóm gồm hai tay guitar Nhật Bình và Trần Nhật dong dỏng gầy, còn tay trống Lê Anh hơi béo tròn, cũng là khởi nguồn của cái tên “101 band”, dùng những con số để miêu tả ngoại hình các thành viên một cách vui đùa.

Nhật Bình, anh cả của nhóm, là kỹ sư giám sát công trình. Lê Anh miệt mài theo đuổi con đường âm nhạc, nhận show ở các hội nghị, tiệc cưới với vai trò hát, đánh trống cajon. Còn Trần Nhật là chủ của một shop đàn nhỏ kiêm gia sư dạy đàn.

Ban ngày, mỗi người có tất bật với cuộc mưu sinh, nhưng tối đến, họ hòa chung làm một vào thế giới của những giai điệu ở café Ghita. “Trong âm nhạc, chúng tôi hiểu và ăn ý với nhau, mang đến những giây phút sống với đam mê và năng lượng trong bản thân. Chúng tôi thấy mình ở đó và không hề cô đơn. Đó chính là lý do khiến ban nhạc có thể tồn tại được gần 5 năm”, các thành viên của “101 band” cho biết.

Không chỉ với người trẻ, âm nhạc còn có sức “mê hoặc” đối với những người đã luống tuổi. Ca sĩ Quang Ngọc (60 tuổi), vốn là một công chức đã về hưu, cũng đã gắn bó với nghiệp hát hơn 20 năm nay, hiện anh đang hát hằng đêm ở phòng trà Mục Đồng: “Được sống trong thế giới của phòng trà khiến tôi cảm thấy như được sống ở một “tôi” khác. Tôi truyền đạt tình cảm bằng lời ca tiếng hát và vui lòng khi nhận được sự đồng cảm ở ánh mắt, những tràng vỗ tay của khán giả”.

Thù lao từ 100 –150 ngàn đồng/đêm, không phải là số tiền lớn cho nghiệp ca hát, nhưng hầu hết ca sĩ hát ở quán café, phòng trà đều hài lòng, bởi họ chỉ cần một không gian riêng, sâu lắng và trang trọng để thể hiện tài năng, đam mê. Anh La Đức Thành, chủ phòng trà Mục Đồng, cho hay: “Những ca sĩ trẻ thường được đào tạo bài bản nên xử lý tốt khâu kỹ thuật. Ở một hướng khác, ca sĩ lớn tuổi lại chinh phục người nghe bởi lời ca, tiếng hát cất lên từ trái tim. Hầu như mỗi quán café, phòng trà lựa chọn cho mình một phong cách, một “gu” nhạc, khán giả theo đó cũng có thể lựa chọn điểm đến phù hợp với yêu cầu của mình”.

Với những sinh viên ngành nhạc, việc đi hát ngoài mục đích kiếm tiền còn giúp trau dồi thêm kỹ năng ca hát. Nguyễn Thị Phương, sinh viên lớp Thanh nhạc 2, Học viện Âm nhạc Huế, có niềm yêu thích âm nhạc từ nhỏ và tiếp nối đam mê ấy của mình bằng lựa chọn học nhạc chính quy. Ngoài việc học trên lớp, Phương còn là ca sĩ tại các quán café, phòng trà và các sự kiện. Phương cho hay, thể loại nhạc mà cô theo đuổi là thính phòng, từ những lần được biểu diễn trên sân khấu, cô đã học hỏi, cọ xát, niềm đam mê theo đó ngày càng lớn lên, dùng tâm hồn để lắng đọng, cất tiếng hát.

Âm nhạc phong phú và đa dạng từ cách thể hiện cho tới cách chơi như chính những cảm xúc mà nó mang tới cho ca sĩ, nhạc công, và cả khán giả vậy. Anh Phan Cảnh Hải (thị trấn Sịa, Phong Điền), nhận xét: “Mình rất thích nghe những bản acoustic, rock và đôi khi cả bolero nên thường tìm tới những quán café nhạc hay phòng trà. Khi xem các ca sĩ biểu diễn, mình được gợi nhớ lại quãng thời gian sinh viên lang thang ôm đàn hát, tâm hồn như được tưới mát bởi âm nhạc”.

Không có nhiều khát vọng về danh tiếng, cũng không nhắc đến nghệ thuật cao siêu, những con người đó chỉ muốn thỏa nguyện đam mê được cháy hết mình trong âm nhạc.

Bài, ảnh: Phước Ly