Ông bảo những chiếc bánh mà người bán tự làm, tự đạp xe và tự mình giới thiệu mới là “ngon từ tâm”.

Không biết từ bao giờ tiếng rao của người bán hàng khi mời chào người mua đã mất dần, thay vào đó là tiếng oang oang phát ra từ những chiếc loa máy:“Bao đây! bao nóng, bánh bao đây!”. Khi những thứ công nghệ ấy ngày càng rẻ, công suất càng lớn thì tiếng rao càng vươn xa, đứng một chỗ mà cả xóm cũng biết, người bán khỏi phải long nhong nhiều nơi, lại không tốn hơi sức.

Khi chưa có loại hình quảng cáo ấy, ngày trước chú bán cà rem vừa đạp xe, vừa gõ chiếc chuông leng keng là cả xóm đổ nhau ra đổi dép nhựa lấy cà rem về. Cô bán cá biển sau phiên chợ còn hàng lại gánh gồng vào xóm, chân đi, tay vịn đôi triêng gióng mà miệng không ngừng: “Ai cá trích, cá cơm, ruốc khôn?”. Ở làng ngày trước, có ông thợ cắt tóc dạo, nay đã trăm tuổi có kiểu rao độc nhất vô nhị:“Cúp hè?”. Đơn giản rứa mà được lòng khách, tiện mô ngồi đó và quán cắt tóc dã chiến được bày ra. Ông thợ cắt tóc vui tính, kể chuyện tiếu lâm, lại giỏi hò vè, khách khoái chí vỗ đùi, cả cái quán ấy rung rinh tiếng cười.

Ngày trước người mua kẻ bán còn nhờ tiếng rao mà thâm tình, đôi khi bán rẻ hay mua đắt cho nhau cũng vì tiếng rao. Nhớ mạ tôi khi nào nhà có việc là cứ dồn lông vịt, vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, phân loại rồi vô bao tải để dành cho o Lệ “chai bao”. Cứ năm ngày, o Lệ lại trở lại, cứ nghe tiếng rao lanh lảnh: “Ai nhôm nhựa, sắt thép, lông gà, lông vịt bán khôn?” là mạ tôi giục mau đem ra để trước hiên cho o Lệ, cả một “núi” đồ ấy mạ lấy năm ngàn khiến mấy đứa con mặt xị ra:“Chi mà rẻ rứa hè?”. Mạ lại la: “Bây phải biết thương o Lệ đi chứ!”. Mạ kể lúc trước o Lệ đi mua chai bao đúng trưa nắng nóng, mạ nghe tiếng rao đứt đoạn, yếu như hụt hơi, cứ đứng giữa sân đợi để kêu vô bán “mấy cái chai” rồi bắt vô nhà ngồi nghỉ. “Ôi chao, mặt hắn xanh lét”, hỏi ra mới biết sáng o không ăn sáng mà đạp xe đi xa quá, thêm cái nắng của mùa hè đã vùi dập người phụ nữ cố bươn chải nuôi mấy đứa con ăn học và người chồng bệnh tật.

Tiếng rao của o Lệ đã đưa mấy o “chai bao” gần hơn với những đứa trẻ vô tư như chúng tôi từ đó. Cũng từ lúc ấy, tôi đã biết chú ý đến những tiếng rao. Mấy năm ở xứ Bắc trời khuya rét buốt, nằm trong chăn mà nghe tiếng rao ngọng ngịu của người bán hàng:“Bánh khúc “lóng”, bánh giò “lóng” nào!” hay “Ai bánh mì, bánh chưng “lóng” nào!”… Đêm khuya, tiếng rao của người tứ xứ lên Thủ đô bán từng chiếc bánh để nuôi gia đình cứ vang lên từng nhịp đều đều khiến lòng tôi như thắt lại, vùng chăn cố tìm mua cho được chiếc bánh khúc.

Bây giờ đi chợ mua hàng hay ở nhà chốc chốc lại nghe tiếng loa máy đủ thứ giọng Bắc, Nam, đủ thứ hàng từ bàn ghế, áo quần, xoong nồi,… từ chó mèo, tóc dài, tóc rối,… cho đến cả ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động. Đủ thứ âm thanh hỗn độn, đinh tai nhức óc của các cửa hàng áo quần, hàng điện tử. Người bán đâu quan tâm và tôn trọng người mua, người bán đâu còn đặt cái tâm vào sản phẩm, những lời mời chào cứ tự động phát lên, thậm chí còn thô tục, nhảm nhí và dối trá. Nghĩ lại mới thấm thía, đúng là chiếc bánh bao ông bạn tôi cố công tìm mua rất ngon, bên trong còn nghe tiếng rao, tiếng thở gấp gáp vì những vòng quay xe đạp nặng nề, vị mặn mòi của mồ hôi từ lưng người làm bánh. Tôi lại nhớ tiếng rao của o Lệ giờ đã già và “Cúp hè!” của bác thợ đã đi xa!

HOÀI ÂN