Chiều xuân
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Chiều xuân màu nắng như mơ
Mặt trời lắng đục giăng mờ núi non
Thu đi, tiếng nhạn hãy còn
Mà trên ghềnh đá đã mòn dấu chân
Em từ trở bến thanh xuân
Hồn ta đã trải một phần phụ nhau
Em về xứ bạn đã lâu
Vầng trăng cố cựu bên lầu vắng không
Ai sang nhắn hộ hoa hồng
Ngoài kia lúa đã ngậm đòng thanh xuân
Xin em khoác áo tứ thân
Cho dài tiếng hát cho bồng tóc mây
Chiều xuân như tỉnh như say
Nhớ em uống cả bóng cây ngô đồng.
Nguồn: Nhân dân số tết Canh Dần 2010
Từ tập thơ cũ trên kệ mở ra bài “Chiều xuân” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã từng in trên báo Nhân dân số tết Canh Dần 2010, một khoảng thời gian không xa cho những sự nhớ, không gần cho những sự quên.
Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, như văn, đã ưu ái nhận được biết bao yêu mến tự người đọc. Mỗi chữ của ông viết ra, đều được người đọc đón nhận bằng một sự trìu mến. Bởi chữ của ông đẹp, sang, tài hoa đã đành, thơ văn ông còn giàu tình yêu thương với con người, cuộc sống. Mỗi trang viết đều muốn làm đẹp thêm cho đời, từ ngọn cỏ lá cây, đến hình hài thiên nhiên quê hương đất nước.
Như hôm nay, bắt gặp rơi ra từ trên kệ, bài thơ "Chiều xuân" này, mở ra trước mắt tôi là một không gian êm đềm đến lạ, về một cảnh xuân, tình xuân dịu dàng tha thướt của chốn làng quê yên bình nào đó, tự xa xưa.
Chiều xuân màu nắng như mơ
Mặt trời lắng đục giăng mờ núi non
Thu đi, tiếng nhạn hãy còn
Mà trên ghềnh đá đã mòn dấu chân
Hình ảnh thơ nhẹ nhàng, hiền lành. Hoàng Phủ đã chọn những từ nhặt được trong thơ cũ. Bài thơ tả cảnh như bước ra từ những dòng cổ điển xưa nào. Lối dùng chữ mang nhiều từ cổ khiến hình ảnh thơ phảng phất không khí miền xưa. Trong đời sống hiện đại vội vã tấp nập nay, một cảnh xưa được tái tạo, như một miền dưỡng khí cho người ta vậy. Nhưng thơ Hoàng Phủ, tả cảnh mà không phải cảnh suông, tình càng không phải tình nhạt. Mà ở đó, cái tình da diết đã bắt đầu xuất hiện qua hình ảnh em - ta:
Em từ trở bến thanh xuân
Hồn ta đã trải một phần phụ nhau
Em về xứ bạn đã lâu
Vầng trăng cố cựu bên lầu vắng không
Hình ảnh em trong thơ Hoàng Phủ thường mang vẻ đẹp mong manh và yếu đuối. Ở bài thơ này, nhà thơ vẫn giữ phong cách quen thuộc ấy. Chỉ một vài từ gợi tả, những nét mơ hồ hiện ra, nhân vật trữ tình em bỗng như thực, như ảo. Nhưng chứa chan bao tình cảm trìu mến của một người tình ẩn hiện thấp thoáng phía sau lưng. Không thấp thoáng, không dõi theo, không ngoái nhìn, làm sao biết “Em từ trở bến thanh xuân” đến lúc “Em về xứ bạn đã lâu” mà tâm hồn ta bỗng thành tình phụ, vầng trăng bên lầu từ cố cựu đến giờ vắng không?
Nếu trong mảnh ký của thể văn xuôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường thường dụng công cho việc gọt dũa từng câu chữ, thì trong thơ, tôi cảm giác như ông vốc tay vào túi lấy ra thật dễ dàng. Để nói lên một chia ly, một phụ phàng, một cách trở, một nuối tiếc, ông chỉ cần đưa ra một vài từ như những dấu phết, phẩy mà ra cả một đời người từ thuở thanh xuân đến phần thiếu phụ. Em từ trở bến thanh xuân, câu thơ thật nhẹ, nhưng cũng đủ sức miêu tả một biến cố, một đoạn đời dài của người con gái kia. Nên thơ nhẹ mà sâu, cũng là từ những lẽ đó. Nhẹ như một lời nhắn vu vơ:
Ai sang nhắn hộ hoa hồng
Ngoài kia lúa đã ngậm đòng thanh xuân
Hình như, với người thi sĩ, phụ nữ không bao giờ có tuổi. Hay nói đúng hơn, em có trở bến thanh xuân, em có đi từ độ, thì với anh tất cả mọi thứ hiện lên trong nỗi nhớ, trong hoài niệm, trong tâm khảm đều luôn đẹp, luôn tròn đầy, viên mãn. Nên em có bỏ đi bao lâu và bao xa, chỉ có vầng trăng mới trở thành “cố cựu”, còn ta, ta vẫn nhìn em là “hoa hồng”. Hoàng Phủ buông một lời nhắn, sao dễ xốn xang lòng dạ chị em đến vậy. “Ai sang nhắn hộ hoa hồng”. Vâng, mãi mãi, cố nhân luôn là một đóa hồng, của tình yêu, trong tình yêu và mãi mãi một tình yêu. Hình ảnh thơ đẹp, lời thơ thiết tha như muốn bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của thi nhân:
Xin em khoác áo tứ thân
Cho dài tiếng hát cho bồng tóc mây
Lời nhắn nhủ như một cách gợi nhớ hình ảnh xưa trở lại. Em đã một thời đẹp đến thế, trong tuổi trẻ, trong thanh xuân, trong tình yêu của đời người. Để rồi đến hai câu kết, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bộc bạch nỗi niềm của mình thật chân thành, say đắm mà thăm thẳm đến mênh mông:
Chiều xuân như tỉnh như say
Nhớ em uống cả bóng cây ngô đồng.
Bài, ảnh: ĐÔNG HÀ