Di cư thường là một lựa chọn hấp dẫn đối với công dân các nước đang phát triển và kém phát triển. Ảnh: Brookings Institution

Tuy nhiên, đối với các nước tiếp nhận nhập cư, đây vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, khi chính quyền các nước đang tiếp tục nỗ lực tìm ra phương án sử dụng tốt nhất nguồn lao động và giảm thiểu tối đa rủi ro về kinh tế, văn hóa do dân nhập cư mang lại.

Phát biểu trước báo giới truyền thông, Tổng Giám đốc Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) William Lacy Swing khẳng định: “Quan hệ hợp tác ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế rất quan trọng để đảm bảo vấn đề di cư toàn cầu được quản lý tốt hơn. Trong đó, tất cả các bên liên quan phải bao gồm đầy đủ: chính phủ, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự”.

Được biết, hợp tác là một trong những cột mốc quan trọng được lồng ghép xuyên suốt trong chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Đồng thời, công tác này cũng được nhận định là rất cần thiết để tiến đến đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tính đến thời điểm hiện tại, điều quan trọng nhất là hợp tác toàn cầu. Trong đó, Hiệp ước toàn cầu về di trú là một dự án có ý nghĩa, cần được chính phủ các nước, các cấp, ban, ngành phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo vấn đề quốc tế này sẽ được quản lý, thực hiện thành công.

Trong một dữ kiện có liên quan, nội dung báo cáo về di cư gần đây của Tổng thư ký Antonio Guterres có chỉ rõ: “Quản lý di cư là một nhiệm vụ trọng yếu mang tính khẩn cấp và sâu sắc nhất về hợp tác quốc tế trong thời đại của chúng ta”.

Nhìn chung, di cư cần thừa nhận các nghĩa vụ và cam kết của tất cả các bên liên quan đến vấn đề di cư quốc tế.

Khi sự đổi mới trở nên cần thiết

Theo Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Henrietta Holsman Fore, trong tiến trình quản lý di cư, thế giới đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là việc hỗ trợ người dân - đặc biệt là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên tìm ra cơ hội an toàn, tốt nhất để di cư. Động thái được đưa ra trong bối cảnh có hơn 500.000 trẻ em buộc phải di cư vì đối diện với xung đột kéo dài.

Về phần mình, Tổng Giám đốc của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder nhận định di cư chủ yếu là về vấn đề công việc. Do đó, ông kêu gọi các quốc gia cần thực hiện xuyên suốt định hướng tuyển dụng công bằng, phát triển kỹ năng, bảo trợ xã hội, tôn trọng việc làm và tôn trọng quyền lao động. Trên cương vị là một trong những thành viên đối tác thực hiện quản lý di cư toàn cầu, nhiệm vụ của tổ chức ILO là bảo vệ quyền lợi của người lao động đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia không phải là quê hương.

Trong bối cảnh hiệp ước toàn cầu về di trú là một lộ trình khả thi, các cấp chính quyền cần khẩn trương cam kết đổi mới. Như vậy, cần nhanh chóng thiết lập một thỏa thuận lao động song phương hai bên cùng có lợi. Cụ thể, các nước phát triển sẽ tham gia trực tiếp vào công tác định hình kỹ năng làm việc của người lao động trước khi các cá nhân tiến hành di trú. Bằng cách đào tạo ngay tại quê hương, chính quyền các nước tiếp nhận sẽ xác định rõ ràng tiềm năng của từng người để tiến hành tuyển chọn lao động phù hợp. Cùng lúc đó, các nước đang phát triển có dân di cư sẽ có cơ hội tiếp nhận công nghệ mới, đồng thời thu nhận các học viên không di cư vào làm việc để phát triển kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn diện.

Dựa trên những ý kiến đóng góp của một số lãnh đạo cấp cao thuộc nhiều tổ chức quốc tế, một lần nữa, Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác hiện có và xây dựng những mối quan hệ mới. Mục tiêu chính của hành động này là kết hợp chặt chẽ với các bên nhằm giải quyết hợp lý nhu cầu về kinh tế - xã hội và sức khỏe của người di cư.

“Một khi hành động cùng nhau, chúng ta có thể đạt được các mục đích chung là gặt hái những quyền lợi tối đa cho tầng lớp dân di cư, cũng như đạt được các lợi ích tốt nhất cho những đất nước có dân di cư và các quốc gia tiếp nhận...”, hãng tin UN News dẫn lời Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing cho hay.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ UN News, Brookings & Center for global development)