Xét nghiệm phát hiện vi trùng lao tại Bệnh viện Lao phổi tỉnh

“Tấn công” người trẻ

Khi phát hiện mình mắc lao, chị NTH, ngoài 20 tuổi, phường Hương Sơ, TP. Huế lo lắng nhưng ngại đến bệnh viện (BV) vì mặc cảm. Thế nhưng, sau khi được điều trị tại BV Lao phổi tỉnh hơn 1 tuần, sự ngại ngùng như tan biến. Chị H chia sẻ, trước khi vào viện, người mệt, ho ra máu. Khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị lao phổi AFB dương tính. Để chữa bệnh, chị phải nằm viện điều trị tấn công 2 tháng và điều trị tại cộng đồng thêm 4 tháng. Dù đang làm việc ở xưởng may tại khu công nghiệp cạnh nhà nhưng giờ chị H phải “trú”  ở BV để điều trị dứt điểm. Nếu không, rất dễ lây lan cho người thân gia đình.

Tương tự là anh LVV, 40 tuổi, ở huyện Quảng Điền mắc lao và điều trị được hơn 2 tuần tại BV Lao phổi tỉnh. Nhà ở  xa BV, anh cứ thấp thỏm lo chuyện gia đình. Anh V. làm nghề thợ hồ, lao động chính trong nhà, nuôi 2 cháu đang tuổi ăn học. Giờ mắc lao, anh phải nằm điều trị nội trú dài ngày, gia đình gặp không ít khó khăn. Dù vậy, anh xác định sức khỏe vẫn trên hết nên “nghe”  bác sĩ tuân thủ điều trị để sớm khỏi bệnh.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Bi, Khoa Lâm sàng, BV Lao phổi tỉnh, cho biết: Hiện, khoa đang điều trị nội trú hơn 50 bệnh nhân trong độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi; trong đó có nhiều bệnh nhân tuổi đời mới ngoài 20. Nguyên nhân trường hợp trẻ mắc bệnh lao có thể là do điều kiện sống và làm việc. Hằng ngày, họ tiếp xúc, trao đổi, gặp gỡ đồng nghiệp nơi làm việc; hoặc hút thuốc lá, di chuyển nhiều từ nơi này đến nơi khác.

Chung tay

Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp, đúng thời gian. Phần lớn các bệnh nhân mắc lao thường, không mắc lao kháng thuốc, đều có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn nếu tuân thủ phác đồ điều trị chuẩn kéo dài 6 tháng với đơn thuốc 4 loại kháng sinh hàng ngày. Đó là nhận định của các y bác sĩ có thâm niên trong hoạt động phòng chống lao ở Thừa Thiên Huế.

Trước đây, một số người thường cho rằng, lao là bệnh của người nghèo, già cả neo đơn, nhưng hiện nay bệnh lao không trừ trường hợp nào nếu chủ quan. Sự chủ quan khiến nhiều người đi khám chậm, dẫn đến tình trạng bệnh nặng. Hơn nữa, khi đã mắc lao nếu bệnh nhân không kiên trì điều trị đúng thời gian, đúng phác đồ các bác sĩ đưa ra để dứt điểm, bệnh dễ tái phát, thậm chí chuyển sang giai đoạn lao kháng thuốc.

Bác sĩ CK II Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc BV Lao phổi tỉnh cho biết, tình hình lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc rất đáng lo ngại và thách thức trong “cuộc chiến” với bệnh lao. Nếu những bệnh nhân này không được quản lý, vẫn cư trú tại cộng đồng, thì bệnh dễ lây lan. Điều quan trọng là, phải kêu gọi những bệnh nhân mắc lao hay có vi trùng lao trong đờm, trong phổi điều trị sớm. Nếu điều trị muộn hoặc bỏ điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. 

Hiện nay, ngoài đổi mới phong cách phục vụ, gần gũi bệnh nhân, BV Lao phổi tỉnh còn đầu tư cơ sở vật chất, triển khai áp dụng kỹ thuật cao GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc. Đây là kỹ thuật hiện đại chỉ trong 2 giờ là có thể xác định có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc hay không. Nhờ đó, thời gian qua, bình quân mỗi năm trên địa bàn phát hiện và điều trị hơn 1,2 nghìn bệnh nhân lao mọi thể; trong đó, có 650 - 700 trường hợp lao phổi AFB dương tính mới. Số bệnh nhân được phát hiện, điều trị khỏi đạt trên 95%, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Hiện ở Thừa Thiên Huế, tình hình bệnh lao đang ở mức trung bình cao so với cả nước. Để đẩy lùi, tiến tới năm 2030 người dân Huế được sống trong môi trường không còn bệnh lao, ngoài sự vào cuộc tích cực của ngành y tế và các cơ quan liên quan, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh lao để phòng tránh và phát hiện, điều trị sớm. Bên cạnh đó, mỗi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, khám sức khoẻ định kỳ để phòng bệnh lao. Đối với người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh, phải tuân thủ nghiêm quá trình điều trị nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Báo cáo Chương trình Quốc gia phòng chống lao, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 180 nghìn người mắc lao; 5,9 nghìn bệnh nhân lao kháng thuốc và ước có khoảng 17 nghìn ca tử vong do lao. Mục tiêu hoạt động của Chương trình Quốc gia phòng chống lao Quốc gia đến năm 2020, nước ta cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100 nghìn người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100 nghìn người dân vào năm 2020. Đến năm 2030, sẽ giảm 80% số bệnh nhân lao, giảm 90% trường hợp tử vong do lao và 100% gia đình mắc lao không bị ảnh hưởng đến thu nhập.

Bài, ảnh: Minh Văn