Phối cảnh Nhà hát Sông Hương

Thiết chế văn hóa độc đáo

Khởi công vào năm 2017, dự án xây dựng nhà hát Sông Hương thuộc Học viện Âm nhạc Huế do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, với số vốn 198 tỷ đồng. Hiện nay, công trình chuẩn bị đổ sàn tầng 3, cơ bản hoàn thành phần thô của 3 tầng. Dự kiến, nhà hát sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2020.

Ông Trần Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên cho hay: “Với vị trí đắc địa nằm trên bờ ở ngã ba sông Hương và sông An Cựu, phía trước là Kinh thành Huế, nhà hát được thiết kế theo không gian mở, bốn phía giáp đường đảm bảo thoát nạn khi có sự cố, đồng thời người dân có thể tiếp cận để vui chơi xung quanh. Kiến trúc nhà hát được thiết kế theo hình móng ngựa, trở thành điểm nhấn của không gian đô thị Huế, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên”. 

Nhà hát có quy mô 1.000 chỗ ngồi, tận dụng tối đa không gian phục vụ cho các chức năng khác nhau. Tầng 1 gồm có phòng khán giả, sân khấu, sảnh, các phòng chức năng, phòng VIP được trang trí hiện đại, phòng dành cho diễn viên, phòng dành cho khách, phòng tổ chức hội nghị... Trong đó, khu vực khán giả và sân khấu là không gian chủ đạo khẳng định đặc trưng của nhà hát chuyên nghiệp.

Theo ông Trần Ngọc Quang, trước mắt chưa có kinh phí nên sân khấu được lắp đặt cố định. Tuy nhiên về lâu dài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị nâng hạ và hố nhạc trên sân khấu theo hướng hiện đại. Cái khó nhất trong một nhà hát là hệ thống âm thanh ánh sáng phải đạt chuẩn nên chủ đầu tư rất thận trọng, mời các chuyên gia về âm thanh, ánh sáng trong và ngoài nước tư vấn thêm.

Toàn bộ thiết kế kiến trúc của Học viện Âm nhạc Huế là một không gian mở, trở thành điểm nhấn cho thành phố, trong đó nhà hát là điểm nhấn chủ đạo của công trình này. Vì vậy, từ vật liệu xây dựng, ngói lợp, nội thất, màu sắc trang trí... đều được nghiên cứu kỹ càng. Bên ngoài nhà hát sẽ có sân khấu ngoài trời, sân vườn, cây cỏ, các bức tượng, phù điêu trang trí...

Sẽ luôn đỏ đèn

Trong bối cảnh đầu tư công đang gặp khó khăn nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn quyết tâm đầu tư ở Học viện Âm nhạc Huế công trình nhà hát tương đối lớn để tạo ra một thiết chế văn hóa phục vụ cho nhân dân Thừa Thiên Huế và cả khu vực lân cận. Với công năng là nhà hát đa chức năng, ở nhà hát có thể biểu diễn nhạc thính phòng, ca múa nhạc, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo chuyên ngành, thu âm...

Theo TS. Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, nhà hát không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động của học viện, mà còn là thiết chế văn hóa phục vụ cho các hoạt động của Huế, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tầm quốc tế. “Nhà hát phải đỏ đèn liên tục. Sau khi hoàn thành, Học viện Âm nhạc Huế sẽ kết nối với các đơn vị, đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Các dàn nhạc giao hưởng, nhạc cụ dân tộc, guitare... sẽ được trang bị các loại nhạc cụ hiện đại và thường xuyên biểu diễn”, ông Đức nhấn mạnh.

Xung quanh nhà hát có thể tổ chức các dịch vụ để tạo nguồn thu cho học viện, như ca Huế trên sông, các dàn nhạc biểu diễn phục vụ khách tham quan du lịch, tổ chức các chương trình âm nhạc lớn với các ca sĩ ngôi sao... Với những hoạt động của một thiết chế văn hóa mới hiện đại, có thể kỳ vọng sẽ tạo ra các hoạt động âm nhạc sôi động, khắc phục được tình trạng trầm lắng của đời sống âm nhạc ở Huế lâu nay. 

TS. Nguyễn Việt Đức cho biết thêm: Từ khi thành lập, Học viện Âm nhạc Huế xác định đi lên bằng mô hình dân tộc nhạc học. Cùng với nhà hát Sông Hương, Bảo tàng Dân tộc nhạc học cũng sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay để trưng bày, giới thiệu nhiều di sản phi vật thể đại diện của nhân loại ở miền Trung - Tây Nguyên, như: Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hô bài chòi và di sản của các tộc người ở Trường Sơn- Tây Nguyên. Bảo tàng, Viện Dân tộc nhạc học và Nhà hát Sông Hương sẽ tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, để Học viện Âm nhạc Huế không chỉ là nơi phục vụ nghiên cứu, đào tạo mà còn là một điểm tham quan văn hóa, du lịch.

Hiện nay, tiến độ thi công nhà hát Sông Hương chậm so với dự kiến do ảnh hưởng của các đợt lũ năm ngoái. Khó khăn nữa là, mặc dù được tỉnh và thành phố quan tâm trong việc giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. “Điều này ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà hát nếu không được giải quyết dứt điểm. Việc kinh doanh, buôn bán ở khu nhà tập thể của Đại học Huế phía trước cổng Học viện Âm nhạc Huế cũng khiến cảnh quan khu vực này nhếch nhác”, ông Quang cho hay.

Minh Hiền