Tờ rơi bị vứt bỏ sau một đợt tư vấn tuyển sinh 2018 được ban tổ chức gom nhặt lại

Tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018 ở Huế và các tỉnh lân cận, người viết chứng kiến các đơn vị giáo dục phát ra hàng ngàn tờ rơi, song có thí sinh chỉ đọc lướt qua, thậm chí nhận tờ rơi rồi vứt bỏ. Kết thúc sự kiện, ban tổ chức phải đi nhặt lại số “rác” ấy. Trong những đợt mưa, tờ rơi bị vứt bỏ trở nên nhàu nát, gây nhếch nhác không gian nơi diễn ra sự kiện và các tuyến đường gần đó.

Đem câu chuyện này trao đổi, một cán bộ làm công tác tuyển sinh ở Đại học (ĐH) Huế chia sẻ, tờ rơi thông tin tuyển sinh là phương thức “truyền thống” được các cơ sở giáo dục trong toàn quốc sử dụng mỗi mùa tuyển sinh. Thông tin trong tờ rơi không chỉ giới thiệu ngành, nghề của các đơn vị đào tạo mà còn là thông tin tuyển sinh chung, được xem là cẩm nang đối với các sĩ tử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển ĐH, cao đẳng. Tình trạng thí sinh chưa mặn mà, vứt bỏ tờ rơi là trăn trở của các đơn vị làm tuyển sinh. “Ở các buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, đơn vị giáo dục chỉ có thể giới thiệu thông tin tổng quan tuyển sinh và giải đáp một số thắc mắc nên thí sinh cần tham khảo thêm tờ rơi, cẩm nang tuyển sinh do đó hình thức phát tờ rơi vẫn được duy trì”, cán bộ làm công tác tuyển sinh ở đơn vị thành viên ĐH Huế chia sẻ.

Mỗi đơn vị với hàng ngàn tờ rơi in màu được phát ra trong mỗi đợt tư vấn chắc chắn sẽ tốn nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi “chiến lược” của các đơn vị đào tạo ĐH là đưa thông tin đến tay càng nhiều thí sinh càng tốt. Điều này tạo ra sự lãng phí, cần có giải pháp phù hợp.

Năm 2017, một số đơn vị làm tuyển sinh trong nước chuyển tải thông tin tuyển sinh từ tờ rơi thông thường sang cách thiết kế trên quạt giấy, hoặc in đường dẫn thông tin tuyển sinh trên các móc khóa làm tặng phẩm. Hình thức ấy được thí sinh, phụ huynh thích thú và sử dụng, thậm chí còn truyền tay nhau. Có trường hợp chưa tiếp cận ngay lúc nhận, nhưng sau khi về nhà cầm đi cầm “tặng phẩm kiêm tờ rơi”, tự động thông tin tuyển sinh được “nạp” vào bộ nhớ.

Lâu nay, việc phát tờ rơi bị đánh giá có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bất kể ở đường phố hay không gian trường học. Hơn thế, với số lượng lớn các đơn vị giáo dục ĐH làm công tác tuyển sinh hằng năm (có nhiều đơn vị từ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương ra Huế làm tuyển sinh) thì số lượng tờ rơi là rất lớn. Từ nay đến giai đoạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (tháng 7/2018) còn khá lâu và việc tư vấn tuyển sinh, thu hút người học sẽ còn diễn ra. Các đơn vị giáo dục cần tham khảo, suy nghĩ cách làm hay, đừng để tờ rơi thông tin tuyển sinh bị biến thành rác.

Bài, ảnh: Hữu Phúc