“Chúng tôi đang cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm làm cho Việt Nam trở thành một trong những môi trường cạnh tranh và thuận lợi nhất trong các nước ASEAN. Trong đó chính phủ Việt Nam có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) từ mức 20%-22% xuống còn 15%-17%”. Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần 6 vừa diễn ra.
Giảm thuế, người kinh doanh mừng
Trước đó Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế thu nhập DN. Đại diện Bộ Tài chính cho hay đề xuất giảm thuế sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới đây. Tuy vậy, việc giảm thuế sẽ tập trung ưu tiên một số đối tượng với tiêu chí cụ thể.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập DN cho DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa lần lượt là 15% và 17%. Cụ thể, đối với DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng được áp dụng mức thuế suất 15%; DN nhỏ và vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm 3-50 tỉ đồng được áp dụng thuế suất 17%. Doanh thu làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của DN trong năm. Việc giảm thuế có thể khiến ngân sách nhà nước giảm vài ngàn tỉ đồng.
Nếu được giảm thuế suất thu nhập DN còn 15%-17% sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho DN, nền kinh tế. Ảnh: QUANG HUY
Thông tin với báo chí về nội dung trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế, nhận định việc giảm thuế sẽ tác động mạnh mẽ tới ý chí kinh doanh, tạo niềm hứng khởi kinh doanh.
“DN nhỏ và vừa chiếm tới trên 95%. Khi đối tượng này được giảm thuế đương nhiên sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ. Khi kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, trong đó sự đóng góp của DN vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù chúng ta giảm thuế suất” - đại diện Tổng cục Thuế nói.
Thông tin trên được cộng đồng DN và chuyên gia ủng hộ. Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimexco), nói nếu việc giảm thuế được thực hiện thì đây là tín hiệu tích cực cho cả nền kinh tế. Vì khi giảm thuế xuống 15%-17%, mỗi năm DN sẽ có thêm một khoản để tái đầu tư, không phải vay vốn, chịu lãi suất, giảm được chi phí rất lớn.
Ông Thanh dẫn chứng: Số thuế thu nhập công ty ông trên dưới 10 tỉ đồng mỗi năm, tùy vào tình hình thị trường xuất khẩu lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Hiện mức thuế thu nhập DN mà công ty đang đóng là 22%, nếu được giảm xuống 15%-17% đồng nghĩa số thuế phải đóng cũng giảm khá lớn.
“Tương ứng mỗi năm chúng tôi giảm được tiền thuế 2-3 tỉ đồng. Số tiền này giúp chúng tôi mở rộng sản xuất, đầu tư chế biến sâu, tăng giá trị sản phẩm, tăng doanh thu của DN và khi đó Nhà nước cũng hưởng lợi. Đặc biệt việc giảm thuế thu nhập sẽ giúp phúc lợi, thu nhập cho người lao động tốt hơn” - ông Thanh nói.
Ngân sách vẫn hưởng lợi
Tuy tán đồng với việc giảm thuế cho DN nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rằng nếu chỉ giảm thuế cho DN nhỏ và vừa thì không mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế. Do vậy Chính phủ cần áp dụng chung cho nhiều đối tượng bao gồm cả DN quy mô lớn.
“Giảm thuế khiến nhiều người nghĩ ngân sách bị hụt nhưng cái được lớn hơn là khi giảm thuế giúp cộng đồng DN tăng sản xuất kinh doanh, phát triển, có thêm nhiều “ông lớn” ra đời. Và khi doanh thu tăng thì số thuế đóng cho Nhà nước tăng lên. Vì vậy giảm thuế nhìn khách quan không tác động nhiều đến ngân sách trong khi lợi ích kinh tế đem lại là đáng kể” - ông Hiếu lập luận.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về ưu đãi thông qua giảm thuế, tuy vậy mức giảm như vậy là chưa đủ. Bởi lẽ hiện nay nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ chưa đóng góp được nhiều nguồn thu cho ngân sách. Do đó cần giảm thuế sâu hơn, qua đó tăng khả năng cạnh tranh, khả năng có lãi để từ đó đối tượng này phấn khởi đóng thuế lâu dài. “Từ phân tích trên, tôi đề nghị thay vì giảm xuống còn 15%-17% thì áp dụng 10%-15%” - một chuyên gia đề xuất.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhận xét giảm thuế đồng nghĩa việc giảm áp lực tài chính, DN sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh có lãi và nộp ngân sách. Như vậy, giảm thuế ngân sách sẽ không ảnh hưởng. Nhưng theo ông chính sách này cần ổn định trong thời gian dài để cộng đồng DN đủ sức cạnh tranh.
Đề nghị xóa 26.500 tỉ đồng nợ thuế Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình về dự án nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi gửi Chính phủ. Dự thảo này sẽ được trình lên Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 31-12-2017, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt… do ngành thuế quản lý là 73.145 tỉ đồng. Trong đó Bộ Tài chính đề xuất xóa khoảng 26.500 tỉ đồng tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Bộ này đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1-1-2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-1-2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ… Giảm chi phí “không nói nên lời” Giảm thuế thu nhập DN sẽ tác động tích cực đối với cộng đồng DN nhưng môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh và chính sách pháp luật ổn định cũng là mong muốn của DN. Ngoài ra, giảm thuế thu nhập DN cần đi đôi với cắt giảm thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả, giảm chi phí thời gian, nhân lực cho DN rất lớn. Đặc biệt những chi phí không chính thức, chi phí “không nói nên lời” còn khá lớn đối với nhiều DN. Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Vina T&T Group |
Theo PLO