Con vật nói trên có trọng lượng gần 1,5kg, dài khoảng hơn 1m, là loài cá da trơn, mõm dài tựa mõm cá heo. Khác với những con cá chình thường thấy, con cá chình này thân màu nâu sẫm với nhiều chấm nhỏ màu trắng tựa những mảng sao băng trên nền trời đêm. Do bị đánh bắt, vận chuyển qua nhiều nơi, nhiều khâu nên trông con cá khá mệt, tuy nhiên vẫn còn sức vóc dẻo dai thường thấy của loài cá chình.

 Con cá chình ở Cảnh Dương khá giống nhóm cá chình Moray mà các nhà khoa học từng công bố

Anh Trần Minh Vũ, chủ quán Hòn Đá, người đang sở hữu con cá chình nói trên cho biết, để tạo nguồn ẩm thực phục khách, vài ngày trước, anh mua được một cặp cá chình, cả hai đều có hình thù khá lạ, nhất là con “cá chình bông biển” màu đen chấm trắng.

Anh Vũ nói rằng anh chỉ mua lại cá của một chủ thu mua hải sản và không biết đích xác con cá được bắt từ vùng biển nào, chỉ biết rằng nhiều khả năng nó xuất hiện ở vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận hoặc một số vùng lân cận. Do thấy cá có hình thù hoa văn lạ nên anh đã chụp hình đưa lên mạng xã hội mong tìm được thông tin nhưng chưa có ai đưa ra nhận định chuẩn xác nên anh Vũ khá bối rối.

 “Chuyện người dân đánh bắt được một loài hải sản lạ nào đó nhưng sau đó không biết sự quý hiếm mà bán đi cũng là chuyện bình thường. Mình thì mua cá về để bán nhưng thấy khác lạ quá nên giữ lại vì sợ hủy hoại một sinh vật quý hiếm. Hiện mình đang xây bể để nuôi con cá chình lạ này. Hi vọng nó sống được lâu” – anh Vũ nói và cho biết đã từ chối bán khi có một vài người hỏi mua.

Thân cá chình có sắc màu lấm chấm rất đẹp với phần đầu, mõm khác lạ

Để làm rõ loài cá chình trên, chúng tôi đã gửi hình ảnh đến một số chuyên gia thủy sản, sinh học thì nhiều vị tỏ ra ngỡ ngàng, cho biết lần đầu tiên nhìn thấy và chưa đánh giá được loài cá chình lạ này.

Còn PGS.TS Võ Văn Phú, giảng viên khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Huế, chuyên gia hàng đầu về động vật học, có nhiều năm nghiên cứu về cá cho rằng đây là loài cá chình biển, sống chủ yếu ở nước mặn và nước lợ, nhất là ở những rặng san hô.

Nhận định này khá tương đồng với một số tài liệu nghiên cứu về cá chình trên thế giới. Theo đó con “cá chình bông biển” này nhiều khả năng thuộc nhóm cá chình Moray, hay còn gọi là lươn biển (tên khoa học là Anguilliformes), cá chình răng nanh hay cá chình Moray hổ. Loài lớn nhất trong nhóm cá chình này có chiều dài thân trung bình khoảng 4m, còn chiều dài thân của loài nhỏ nhất vào khoảng 11,5cm. Chúng thường trú ngụ ở các hang hốc nhỏ và các khe nứt ở độ sâu tới 50m dưới biển, cũng như ở rặng san hô. “Muốn biết nó có nằm trong sách đỏ cấm đánh bắt hay không thì phải tra cứu thêm, tuy nhiên quan sát bằng mắt thường thì loài này không phải thuộc loài nằm trong sách đỏ Việt Nam” – PGS.TS Võ Văn Phú nhận định.

Bài, ảnh: Nhật Tín