“Những dấu chân của đức Phật và du lịch tâm linh”
 
“Huế là vùng đất với hàng trăm đền chùa và cũng là vùng đất của tâm linh. Đây là một di sản “sống” nuôi dưỡng khát vọng sâu xa về tâm linh của người dân Huế. Huế là nơi để tìm cảm hứng, thức tỉnh và sáng tạo. Điều kiện tự nhiên và môi trường văn hóa đích thực ở Huế rất thích hợp với loại hình du lịch dưỡng sinh, một loại hình du lịch “quý tộc” và đắt tiền nhất hiện nay trên thế giới, cho phép con người tìm lại sự cân bằng cho chính mình thông qua nghỉ ngơi và các liệu pháp thư giãn. Huế có hồ Tịnh Tâm giữa lòng thành phố không chỉ mang giá trị chuyển tải linh hồn văn hóa truyền thống Huế mà còn ứng dụng trong phát triển du lịch, hồ Tịnh Tâm có thể phát triển thêm khái niệm để trở thành biểu tượng của loại hình du lịch dưỡng sinh - đến Huế để tìm sự tĩnh tâm, hồi sinh sức khoẻ và tinh thần. Đến Huế, du khách có thể ngâm mình trong làn nước trong xanh của sông Hương, hoặc chỉ đơn giản là mê mải rong ruổi ở các vùng nông thôn đầy màu sắc của Huế để trẻ hóa cơ thể của bạn với việc đạt đến mức hoàn hảo của sự tĩnh lặng. Với tài sản vô giá, giàu về tâm linh, các nhà chức trách nên thay đổi hình ảnh của Thừa Thiên Huế - nhấn mạnh đến vùng đất của tâm linh, của bình yên và hạnh phúc hơn là vùng đất in dấu ấn đau thương của chiến tranh hay của những ngành công nghiệp hiện đại”.
 
Lễ Vu lan 2013 tại Tổ đình Ba La Mật thu hút một lượng lớn phật tử và công chúng tham dự. Ảnh: Diên Thống

 
Thừa Thiên Huế là một trong số ít những địa phương có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh, một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố an sinh xã hội. Các “Điểm đến tâm linh” ở Thừa Thiên Huế đều được hình thành một cách tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống kinh tế - xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo. Đây là yếu tố cơ bản để định hình nên giá trị cốt lõi (giá trị tâm linh) của điểm đến.
 
Từ năm 2010, một hội thảo Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch đã bàn về vấn đề phát triển du lịch tâm linh ở Huế, hội thảo cũng đã khẳng định Huế là một thành phố tâm linh, và du lịch tâm linh là một xu thế du lịch trong tương lai, sau đó một số chùa ở Huế với sự hợp tác của các đơn vị lữ hành đã sơ khai hình thành một số tour du lịch để cho du khách tu tập, học thiền ở lại chùa. Nhưng thực trạng là các hãng lữ hành vẫn mạnh ai nấy làm mà chưa có liên kết một cách bài bản trên cơ sở lý luận của du lịch dựa vào cộng đồng, nhất là vấn đề giải quyết lợi ích giữa các bên tham gia, tất nhiên ở đây cũng cần nêu lên trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo ra các điều kiện, cơ chế, chính sách phát triển du lịch tâm linh. Trong một số trường hợp không nhất thiết Nhà nước làm chủ đầu tư nhưng cũng đóng vai trò rất lớn trong việc cấp đất và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo xây dựng và phát triển các cơ sở của mình thành những điểm đến du lịch. Tiêu biểu cho các điểm đến du lịch tâm linh ở Thừa Thiên Huế, là: Khu du lịch tâm linh Quán Thế Âm, Huyền Không Sơn Thượng, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã, Đền thờ Huyền Trân công chúa, Tượng đài Hoàng đế Quang Trung...
 
Đối với các khu du lịch tâm linh, song song với quá trình tôn tạo, hoạt động quảng bá cũng quan trọng không kém. Những thông tin, hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp, những nơi chốn thiêng liêng đang trầm tích các giá trị văn hóa, tâm linh bao đời của tiền nhân trên mảnh đất Thừa Thiên Huế cũng phải được chuyển tải kịp thời, đầy đủ đến với du khách, và đây cũng lại là một điểm yếu của ngành du lịch Thừa Thiên Huế, nếu nhìn vào số lượng sách báo, truyền hình, các trang web... đã được sử dụng và đăng tải, chúng ta càng thấy tầm nhìn cũng như ý nghĩa của hoạt động quảng bá cho các khu du lịch tâm linh là chưa nhiều; trong tương lai, để du lịch tâm linh ở Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm thì hoạt động này cần được tăng cường hơn nữa, để lượng thông tin phản ánh đúng tầm vóc, giá trị của các điểm đến mà chúng ta đang có.
 
Trong các lần tham gia các hội thảo về liên kết phát triển du lịch các tỉnh miền Trung mở rộng (có sự tham gia của nhiều hãng lữ hành lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), tôi đã có nhiều trao đổi và được biết hiện nhu cầu khách muốn ở lại các chùa sinh hoạt để học đạo, dưỡng tâm một thời gian là rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ có công ty lữ hành mặn mà thì chưa đủ, mà còn phụ thuộc vào các chùa cùng cơ quan xúc tiến du lịch rất nhiều. Hiện nay, các công ty du lịch cũng tổ chức các tour du lịch hành hương hằng năm nhưng đa số cũng chỉ dừng ở mức đến thăm các ngôi chùa cổ của Huế với kiến trúc đẹp, ẩm thực chay vốn là thế mạnh của du lịch Thiền ở Huế chứ chưa thể ở lại.
 
Thời gian qua, phải khẳng định rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng đã có tác động tích cực, mạnh mẽ đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Đây chính là chỗ dựa vững chắc để phát triển loại hình du lịch tâm linh một cách có hiệu quả, những điểm đến tâm linh vẫn không ngừng được xây dựng, phát triển và hội đủ điều kiện cần thiết để trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn, mời gọi, không chỉ giúp cho Thừa Thiên Huế phát triển bền vững ngành du lịch mà cả phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

 

Trần Viết Lực (Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch, Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế)