Học sinh đàm thoại với người nước ngoài tại Trung tâm Anh ngữ Quốc tế iLead AMA Huế

Cốt để kiểm tra, đối phó

Giải pháp được hầu hết phụ huynh chọn hiện nay là đi học thêm thay vì chỉ học ở trường nếu muốn con học ngoại ngữ “đến đầu, đến đũa”. Tâm lý “tiền nào của nấy” vẫn hiện diện khá rõ nên phụ huynh không ngại bỏ ra tiền triệu để con đến các trung tâm ngoại ngữ học thêm. Ở đó, có thầy giáo nước ngoài, chương trình giáo khoa tiên tiến, phòng lab đạt chuẩn; các em có những buổi học ngoại khóa để trải nghiệm, thảo luận giúp tự tin trong giao tiếp. Chị Nguyễn Thị Tâm, có con đang theo học lớp 6 ở TP. Huế, cho biết: “Trước đây, con tôi học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5 mà hỏi những câu đơn giản cũng lắc đầu. Trong khi đó, mới đi học ở trung tâm ngoại ngữ một tháng mà con đã hào hứng, mạnh dạn, học được nhiều từ theo chủ điểm buổi học”.

Chưa nói đến chuyện máy móc, phòng học đạt chuẩn, thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học cơ bản cho các trường chỉ đạt 70%. Nhiều trường có đội ngũ giáo viên có chứng chỉ B2 theo chuẩn châu Âu, nhưng lại không có phòng lab, thiết bị nghe nhìn để học sinh học nghe – nói. Sĩ số trên lớp học khá đông nên khó kiểm tra đúng và đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Trong khi đó, không thể chia nhỏ lớp vì không đủ giáo viên. Trình độ tiếng Anh của học sinh vẫn còn yếu, nhất là 2 kỹ năng nghe và nói.

Các em tham gia cuộc thi “Tìm kiếm nhà vô địch tiếng Anh”

Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục huyện A Lưới cho hay: Muốn học sinh học tốt ngoại ngữ, các trường phải đáp ứng nhiều tiêu chí đề ra. Số học sinh trên lớp phải thấp để dễ dàng trao đổi, đàm thoại; phải có những thiết bị nghe nhìn hiện đại để giúp học sinh tương tác, nhiều buổi học ngoại khóa... Tuy nhiên, toàn huyện A Lưới mới có 12/27 trường tiểu học, THCS có phòng lab nên gặp khó khăn trong dạy ngoại ngữ.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhận định: Các trường thiếu động lực để khắc phục khó khăn khi chính những đợt kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi quốc gia cũng chỉ thiên về kỹ năng viết và kiến thức ngôn ngữ. Thế nên, giáo viên lẫn học sinh dạy và học cốt chỉ để kiểm tra và đối phó kỳ thi.

Nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn

Dù đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhưng toàn tỉnh vẫn còn 15% (177 giáo viên) chưa đạt chuẩn. Trong số những giáo viên đạt chuẩn vẫn có độ vênh khá lớn giữa năng lực bằng cấp và năng lực thực tiễn... Nhiều  giáo viên có tư tưởng ngại khó, không cập nhật phương pháp dạy học mới, không có điều kiện đầu tư chuyên môn nên cách dạy lạc hậu. Thế nên, ở các trường chuyên, trường trọng điểm vẫn gặp khó khăn trong dạy các môn khoa học tự nhiên khi thiếu giáo viên. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa lại gặp nhiều rào cản trong học tập, chuẩn hóa do địa hình cách trở .

Điều quan trọng nhất hiện nay là môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường, cần hướng tới việc khuyến khích các em thực hành nhiều hơn. Để có môi trường tốt, việc đầu tư cơ sở vật chất rất quan trọng. Học sinh phải được luyện tập nghe - nói trong những phòng riêng biệt, đầy đủ máy móc. Ngành giáo dục cần kêu gọi xã hội hóa việc học ngoại ngữ, thúc đẩy vai trò của các đơn vị đào tạo ngoại ngữ bên ngoài nhà trường.

Một rào cản nữa cần được phá bỏ nếu muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh là cách kiểm tra, đánh giá năng lực người học. Tại hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020, ý kiến của nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ đề xuất, nội dung kiểm tra nên giảm bớt phần ngữ pháp cứng nhắc, chú trọng các kỹ năng thực hành. Giáo viên cần giúp học sinh vượt qua nỗi sợ khi học ngoại ngữ. Bởi lẽ, tâm lý sợ sai, xấu hổ khiến nhiều em không dám nói, chỉ thích làm bài tập ngữ pháp vẫn là căn bệnh trầm kha trong học sinh.

Chiến lược dài hơi hơn trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn là cần đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ theo khung chuẩn năng lực châu Âu; đồng nghĩa, có những quy định kèm theo như thời hạn của chứng chỉ ngoại ngữ để tạo động lực cho giáo viên chuẩn hóa trình độ. Chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ nên được đánh giá qua những đợt sát hạch năng lực ngôn ngữ của Sở Giáo dục và Đào tạo. Cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ dạy ngoại ngữ cần được đầu tư thông qua nguồn ngân sách, cũng như xã hội hóa giáo dục trong dạy ngoại ngữ ở những lĩnh vực, khu vực có điều kiện.

Nhà trường chỉ có thể tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh năng động khi kết hợp được các yếu tố: Giáo viên giỏi, chương trình - sách giáo khoa tiên tiến, ưu tiên thực hành và cơ sở vật chất đảm bảo.  

Bài, ảnh: Huế Thu