Anh Lê Văn Ánh, sửa xe máy ở thôn Thanh Tân (Phong Sơn) cho biết, cầu Cháy nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối vùng đồi phía tây Phong Điền đến khu vực An Lỗ, thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà), hàng ngày lượng người, phương tiện qua lại đông. Không hiểu sao, cầu Cháy lại không có thành lan can bảo vệ khiến nhiều người dân trong vùng lo sợ; đặc biệt, buổi tối qua lại cầu mà không làm chủ tốc độ sẽ rất nguy hiểm. Cách đây 2 năm, một thanh niên ở khu vực khi qua cầu đã rơi xuống suối và chết ngay sau đó.
 
Cầu Cháy thoáng, rộng nhưng lại là chiếc bẫy chết người vì không có lan can hai bên bảo vệ
 
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, ở xã Phong An, người thường xuyên qua lại tỉnh lộ 11B nói, cầu Cháy như chiếc bẫy chết người với những ai chủ quan phóng nhanh khi qua cầu. Mọi người cứ nghĩ bề mặt cầu rộng mà vô tư rồ ga, nhưng nếu gặp xe ngược chiều từ đoạn cua tay áo phía bên kia cầu đỗ xuống là lúng túng, xử lý tay lái không kịp rất nguy hiểm. “Kinh nghiệm xương máu, bởi thế mỗi lần qua lại cầu Cháy, dù bất kể thời gian nào, tôi cũng từ từ chậm rãi” - Bà Xuân nói như đinh đóng cột.
 
Em Nguyễn Thị Dung, lớp 4/1, Trường Tiểu học Phong Sơn cho biết, nhờ có cầu Cháy mà hàng ngày chúng em đến lớp thuận tiện dễ dàng, nhưng sợ nhất những buổi tan trường có nhiều bạn lại đùa giỡn, rượt đuổi nhau trên cầu. Dù chưa có bạn nào rơi từ cầu xuống suối nhưng em thấy hai bên hông cầu không có lan can bảo vệ thì thật nguy hiểm...
 
Từ quan sát đến thăm dò ý kiến người dân trong khu vực, chúng tôi mong rằng chính quyền các cấp xem xét mức độ an toàn của cầu Cháy. Nên chăng, phải kiến nghị các ngành, đơn vị chức năng khảo sát kỹ lưỡng đầu tư xây thêm thành lan can bảo vệ hai bên để người và phương tiện giao thông; nhất là các em học sinh qua lại an toàn khi mùa mưa lũ đến gần.
Quan Khánh