Cơ sở nuôi ong của ông Diệp Minh Khanh cho sản lượng 600kg mật/năm

Với sản lượng trên 80 tấn mật ong mỗi năm, Nam Đông là địa phương có đàn ong nuôi lớn nhất trên địa bàn tỉnh, tạo ra nhiều thương hiệu mật ong nổi tiếng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Với 4 loại ong nuôi (ong ruồi, ý, bén và khoái), trong đó nhiều nhất là hai loại ong ruồi và ý, hiện toàn huyện có 20 hộ tham gia nuôi với khoảng 2 ngàn đàn, sản lượng bình quân đạt từ 80-90 tấn mật/năm.

Có thâm niên mấy chục năm “theo đuôi” con ong, năm 2006, ông Diệp Minh Khanh, xã Hương Hòa bắt đầu chuyển từ việc “săn” mật ong rừng sang nghề nuôi ong ruồi. Với tổng kinh phí đầu tư trên 100 triệu đồng, ông Khanh trang bị các cầu di động, thùng gỗ và mua, bắt giống ong ruồi ở các rừng cao su, cà phê về nhân giống. Sau 12 năm phát triển, hiện cơ sở có 50 thùng gồm 5 cầu, mỗi cầu nuôi từ 1.500-2.000 con, cho sản lượng mật trên 600 kg/năm, doanh thu trên 200 triệu đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm KC&Tư vấn phát triển công nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng cho biết, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình KC địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, trung tâm sẽ tiến hành khảo sát, thẩm định các đề án do các cơ sở công nghiệp nông thôn đề xuất để có hướng hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng nhằm góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo sản phẩm mới và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Do các chủ nuôi chủ yếu sơ chế mật bằng thủ công, chưa hạ thủy phần, vẫn còn các tạp chất tồn dư trong mật nên chất lượng mật không cao. Thông qua Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đông, Trung tâm KC&Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương hỗ trợ cơ sở 95 triệu đồng trang bị máy sơ chế mật ong đóng chai từ nguồn vốn KC địa phương với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chủ cơ sở, ông Diệp Minh Khanh phấn khởi: Sau khi tiếp nhận nguồn vốn KC, cơ sở đầu tư 150 triệu đồng trang bị máy sơ chế mật ong với công suất 30kg mật/kg. Sau khi đưa hệ thống máy sơ chế vào hoạt động, không chỉ sản phẩm mật ong của cơ sở mà toàn bộ bà con trên địa bàn huyện được lọc thô, hạ thủy phần, phá kết tinh nên các tạp chất được lọc ra ngoài, vi khuẩn không cần thiết được tiêu diệt nhằm nâng cao chất lượng mật. Hiện, sản phẩm mật ong ruồi trên địa bàn huyện được đăng ký nhãn hiệu tập thể nên các hộ nuôi đã trang bị thêm máy đóng chai, máy hạ thủy phần để nâng cao chất lượng mật.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông-ông Bùi Quang Tý, đưa vào vận hành máy sơ chế mật ong do nguồn vốn KC hỗ trợ một phần kinh phí không chỉ nâng chất lượng mật cho bà con nông dân, mà còn góp phần hạ giá thành, sản xuất số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều. “Sau khi có máy, hội tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Tý nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thanh Hương