Thượng úy Bùi Minh Lâm (giữa) cùng anh Trần Quốc Tín (bên phải) phối hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các thành viên ưu tú trong Hội làng nghề

Tiền đề

Đảng bộ xã Phú Thuận hiện có 12 chi bộ (trong đó có 6 chi bộ thôn), với 76 đảng viên. Đây là địa phương có số hộ làm nghề chế biến thủy sản và làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển, đầm phá rất lớn, chiếm gần 70% dân số của xã. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển sản phẩm nước mắm cùng với các sản phẩm chế biến khác từ thủy sản, Đảng ủy xã đã lãnh đạo việc tổ chức vận động thành lập Hội làng nghề ở địa phương.

Cuối tháng 12/2017, Hội làng nghề nước mắm An Dương Phú Thuận được thành lập, quy tụ hơn 20 hộ gia đình, cơ sở sản xuất ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3; trong đó có nhiều chủ cơ sở là thanh niên trẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận Nguyễn Văn Chường cho biết: Chủ trương của Đảng ủy là sau khi Hội làng nghề thành lập, địa phương sẽ từng bước phát triển tổ chức, kết nạp đảng viên và tiến đến thành lập chi bộ Đảng để lãnh đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội. Phối hợp với các ban, ngành, cấp ủy các đơn vị đứng chân trên địa bàn như Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An, đến nay, địa phương đã thành lập được tổ chức Hội làng nghề, trong đó có một đảng viên làm hạt nhân…

Từng bước thành lập tổ chức Đảng trong các ngành nghề

Theo chân Thượng úy Bùi Minh Lâm, cán bộ vận động quần chúng phụ trách địa bàn xã Phú Thuận thuộc Đồn BPCK cảng Thuận An, chúng tôi về thôn An Dương 3 gặp anh Trần Quốc Tín, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm An Dương Phú Thuận. Anh Tín vừa là đảng viên trẻ, bộ đội xuất ngũ, vừa là chủ cơ sở chế biến nước mắm gia đình.

Anh Tín chia sẻ: “Hiện tại, hội có nhiều thành viên ưu tú, hội đủ điều kiện về trình độ văn hóa, lịch sử chính trị, có động cơ phấn đấu để hướng đến việc bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức Đảng. Trong đó, có thể kể đến anh Trần Văn Phước, Phó Chủ tịch Hội, là dân quân cơ động của xã, nhiệt tình, năng nổ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có bố là bộ đội; anh Nguyễn Thành Long, thành viên trong một cơ sở sản xuất ở thôn An Dương 3, có lý lịch tốt, có trình độ văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động tập thể… Số thành viên ưu tú để vận động, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng trong tổ chức hội hiện có khoảng 5-6 người. Tất cả đều ở thôn An Dương 3, thuộc chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt, vì vậy việc bồi dưỡng giới thiệu quần chúng ưu tú lên chi bộ rất thuận lợi nếu được cấp trên quan tâm”.

Theo anh Tín, trong thời gian tới, Hội làng nghề tiến hành thủ tục kết nạp thêm 3-4 thành viên mới. Trong đó có nhiều gia đình, cơ sở sản xuất có lao động trẻ, có trình độ văn hóa, có động cơ phấn đấu để hướng đến việc bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng.

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Chường cho biết thêm: Hầu hết các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuộc thành viên của Hội làng nghề đều có tàu thuyền công suất lớn hoạt động khai thác trên biển. Vì vậy, quan tâm công tác phát triển Đảng trong Hội làng nghề cũng là cơ sở để phát triển Đảng trong lực lượng làm nghề biển và lực lượng dân quân biển của xã. Đảng ủy đã có nhiều phiên làm việc và kiến nghị lên Huyện ủy mở lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa và lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, lớp đảng viên mới trong thời gian phù hợp cho các đối tượng. Đây là cơ sở giúp địa phương có điều kiện thuận lợi trong công tác phát triển đảng viên mới, tiến đến thành lập tổ chức Đảng trong các ngành nghề, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo ở địa phương.

Xã Phú Thuận có 3 liên đoàn đánh bắt xa bờ, gồm 56 tàu thuyền có công suất từ 250-880CV, với gần 600 lao động; sản lượng đánh bắt hàng năm đạt gần 1/3 sản lượng của toàn huyện Phú Vang. Năm 2017, địa phương đạt sản lượng đánh bắt hơn 8,5 ngàn tấn, thu mua trên 500 tấn ruốc để sản xuất hơn 2 triệu lít nước mắm. Hiện tại, sản phẩm nước mắm An Dương Phú Thuận đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Địa phương cũng đã quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thủy sản để phát triển đúng quy mô, chất lượng.

Bài, ảnh: Bá Trí