Sự đứt gãy về mặt kiến tạo địa mạo đã tạo nên một Khon-pha-pheng hùng vĩ đến kỳ lạ. Khon-pha-pheng cách Pakse - thủ phủ của tỉnh Chămpasăk - Lào hơn 150km về phía nam - là thác nước đẹp và lớn nhất trên toàn vùng Đông Nam Á - nơi mà Mêkông vĩ đại chảy qua. Chúng tôi đến Khon-pha-pheng vào mùa mưa. Và vào đúng đỉnh điểm nước lũ về trên Mê Kông. Thời điểm này cũng là đỉnh điểm cao độ của thác nước.

 

Bắt cá trên sông Mê Kông

 

 

Người ta bảo vẻ đẹp của Khon-pha-pheng có được quanh năm. Vào mùa khô, Khon-pha-pheng có một dáng vẻ diễm lệ riêng. Khi nguồn nước ở thượng và hạ nguồn đều thấp, cũng là lúc Khon-pha-pheng bày ra lô nhô gập ghềnh đảo đá. Và lúc này thác nước mới phô diễn hết vẻ đẹp của nó.

 

Chúng tôi đã dành nhiều thời gian đi trên dòng Mê Kông đoạn qua tỉnh Chămpasăk, ngắm hoàng hôn đổ bóng xuống dòng sông ở Pakse, để cảm nhận hết sự hùng vĩ và những điều khác lạ trên dòng sông được mệnh danh là sông “Mẹ”. Và cũng không phải bất kỳ ai cũng hiểu được rằng, dòng sông trĩu nặng phù sa sẽ xuôi về hạ nguồn để bồi đắp nên sự tốt tươi màu mỡ cho đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Cách thác Khon-pha-pheng không xa lắm về phía hạ lưu là nơi sinh sống của loài cá heo nước ngọt duy nhất có ở Lào. Nơi đây thuộc Bản Vuen Kham, huyện Khon, tỉnh Chămpasăk. Dòng Mê Kông đoạn này đột nhiên phình rộng cả hàng km và kéo dài hàng chục km, bao bọc quanh nó cả ngàn hòn đảo cho nên mới có tên gọi là Siphandone (nghĩa là 4.000 hòn đảo).

 

Có lẽ do các loài cá nhỏ trên đường tìm lên phía thượng nguồn theo một hành trình rong ruổi, nhưng mọi cố gắng đều bất thành khi gặp thác Khon-pha-pheng, nên phía hạ nguồn của thác là nơi tập trung rất nhiều cá. Đó chính là lý do loài cá heo nước ngọt của Mê Kông tập trung về đây sinh sống.

 

Thuê một chiếc đò nhỏ với chi phí 170 kíp (chừng 460.000đ) để cố gắng ghi lại những hình ảnh cá heo nước ngọt. Giữa Mê Kông mênh mông, chiếc thuyền không trang bị một chiếc áo phao nào trở nên mong manh và gợi nên nhiều ái ngại. Càng ái ngại hơn khi một em nhỏ chừng 12 -13 tuổi điều khiển. Nhưng, khó có sự lựa chọn nào khác ở đây nếu muốn được nhìn ngắm cá heo.

 

Trước khi quyết định dành một ngày trở lại huyện Khon để quay hình cá heo, nhiều người bạn ở Pakse khuyên chúng tôi rằng, không phải bất kỳ ai cũng may mắn thấy được cá heo trên đoạn sông này trong một thời gian eo hẹp. Nhưng chúng tôi đã là những người may mắn. Cá heo có chừng mười lần nổi lên mặt nước và chúng tôi kịp ghi lại được 3 hình không rõ ràng cho lắm. Dù sao đó là một ngày làm việc đầy hứng thú và không hề bõ công.

 

Siphandone đầy mê hoặc và quyến rũ.

 

Có lẽ đó cũng chính là lý do Siphandone thu hút một lượng du khách khá lớn, mà một trong những trò tiêu khiển thú vị là đi trên những chiếc thuyền ca dắt xuôi về phía hạ lưu mùa nước lớn. Những người lạ lẫm như chúng tôi thật khó có thể hình dung Mê Kông chảy trên đất Lào như thế nào. Bởi đi đến đâu cũng gặp các nhánh của Mê Kông. Ven Mê Kông chúng tôi bắt gặp rất nhiều bản làng của người Lào rất đẹp. Những ngôi nhà truyền thống bất biến qua thời gian đã phủ trên Mê Kông một dáng vẻ yên ắng, thanh bình đến kỳ lạ. Nhiều người nhận xét rằng tính cách của bà con dân tộc Lào không hề vội vã. Cho nên trong những bản làng như thế này chưa bao giờ dành cho sự bon chen.

 

Chúng tôi lại có một buổi theo chân những ngư dân đánh bắt cá trên Mê Kông chảy qua Mương Khon. Nghề thả câu chỉ bắt được những loài cá nhỏ. Nhưng nghề thả lưới lại chỉ bắt được những con cá lớn. Sự đứt gãy về mặt kiến tạo địa tầng địa mạo đã tạo ra cho Mê Kông rất nhiều gềnh thác. Đó là những barie mà các loài cá trên đường rong ruổi cố sức vượt qua. Và người dân của các bộ tộc Lào chưa bao giờ bỏ qua những cơ hội như thế này để tìm kiếm nguồn lợi của thiên nhiên. Người dân thì tìm kiếm cái ăn, cái rất cụ thể. Còn chúng tôi nhìn thấy một bức tranh quá đẹp mà những con người hiền hậu từ các bản làng, cộng hưởng với sự hùng vỹ của thiên nhiên tạo nên.

Nguyên Lê