Thương các con mồ côi mồ cút, mẹ cô thức khuya dậy sớm buôn bán tảo tần, cho các con cuộc sống vật chất bằng bạn bằng bè, không thiếu thốn thứ gì. Cô là con gái, càng được mẹ chiều hơn. Chỉ cần cô “ngỏ ý” bạn có váy này đẹp, áo kia xinh, thể nào mẹ cũng ráng sắm cho cô bằng được. Rồi anh cả trưởng thành, vào TP Hồ Chí Minh tự lập cuộc sống. Cô cũng tốt nghiệp đại học, muốn mở cửa hàng kinh doanh mặt hàng giày thể thao. Mẹ bảo, con gái muốn gì mẹ cũng ủng hộ, nên dốc hết khoản tiền bao năm dành dụm để phòng khi tuổi già, giúp cô thực hiện mơ ước.

Nhân viên cô thuê bán hàng (thời gian từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều), là cô bé dáng người nhỏ nhắn, vẻ mặt hiền lành, rất tận tụy và có trách nhiệm với công việc. Em nhỏ hơn cô 2 tuổi, là sinh viên đại học năm cuối, đang trong thời gian viết khóa luận tốt nghiệp. Áo quần em mặc rất giản dị, và dù chỉ là những món đồ rẻ tiền, nhưng lúc nào cũng gọn gàng, tươm tất. Em kể, gia đình ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, nên phải thuê nhà trọ học. Làm ruộng, con lại đông nên ba mẹ em rất vất vả. Em cố gắng kiếm việc làm thêm để ba mẹ đỡ phần nào các khoản phải lo, coi như đỡ cho ba mẹ chút ít nhọc nhằn.

Hôm nhận 1,3 triệu đồng, là tháng lương đầu tiên, cô bé đó liền “làm khách” của cửa hàng. Em mua đôi giày có giá 450 nghìn đồng, là loại giày đắt nhất trong cửa hàng của cô, để tặng mẹ. Ngạc nhiên, cô thắc mắc sao em lại chọn giày thể thao mà không phải loại giày dép khác phù hợp hơn với công việc làm nông. Em bảo, thời gian gần đây, mẹ em thường xuyên đi bộ thể dục trên đường làng vào mỗi buổi tối. Vì tiết kiệm tiền nên mẹ đi bằng đôi dép lê cũ bằng nhựa cứng quèo, vừa bất tiện, vừa dễ làm trầy xước chân khi mẹ đi nhanh. Đôi giày thể thao êm ái là điều cần thiết. Có thể mẹ sẽ “la rầy” vì tiếc tiền, nhưng “sự đã rồi” mẹ cũng sẽ sử dụng. Chứ mỗi lần về nhà, sờ bàn chân chai sần nứt nẻ của mẹ, em xót lòng lắm. Em “thuộc” hết chỗ nào chai nhiều, chỗ nào chai ít trên chân mẹ. Không biết phải làm sao nên em chỉ còn cách tranh thủ tận dụng hết thời gian mỗi khi ở nhà, để cùng ba mẹ xuống ruộng, đỡ bớt sự nhọc nhằn.

Cô lặng người, chợt nhận ra rằng bao nhiêu lâu nay cô chỉ mặc nhiên thụ hưởng tình yêu thương, sự chăm sóc mẹ dành cho cô mà chưa bao giờ quan tâm đến mẹ. Người mẹ đơn thân của cô, vì vất vả gấp đôi, gấp ba người khác nên nếp nhăn cũng hằn sâu hơn trên gương mặt. Thế nhưng đã bao giờ cô để ý đến điều đó. Chắc mẹ đã cô đơn rất nhiều. Cô quyết định trả tiền cho đôi giày mà cô bé làm thuê mua tặng mẹ, bảo rằng coi như đây là món quà cô dành cho em, món quà dành cho tấm lòng thơm thảo. Khi bóng dáng cô bé đã khuất sau ngã rẽ, cô thầm nói cảm ơn, vì em chính là người đã “đánh thức” cô ra khỏi sự vô tâm, ích kỷ.

Cô cũng chọn cho mẹ một đôi giày tốt nhất bày bán trong cửa hàng. Có lẽ, mẹ sẽ rất hạnh phúc bởi con gái đã biết quan tâm đến người khác.

Phạm Thùy Chi