Giờ đây, làn sóng đình công đòi chính phủ từ bỏ các kế hoạch cải cách của 160.000 nhân viên Công ty Đường sắt nhà nước SNCF, cùng với các cuộc biểu tình của sinh viên, buộc Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt phép thử lớn đầu tiên, cả về chính trị lẫn tính cách.

Ai cũng nghĩ ông Macron gặp phải thách thức lớn đầu tiên khi thúc đẩy cải tổ sâu rộng luật lao động hồi mùa thu năm ngoái. Nỗ lực tương tự của những người tiền nhiệm đã đối mặt cuộc biểu tình của hàng triệu người ngoài đường phố.

Công nhân của Công ty Đường sắt nhà nước SNCF và thành viên Nghiệp đoàn CGT biểu tình tại TP Lyon hôm 9/4. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, ông Macron đã tránh được sự chống đối như thế bằng cách thuyết phục những nghiệp đoàn ủng hộ cải cách đứng về phía mình. Thành công này khiến ông cảm thấy mình được bật đèn xanh để xúc tiến nhiều cải cách hơn nữa - như những gì được hứa hẹn khi tranh cử năm ngoái. 

Nhà lãnh đạo trẻ tuổi cam kết sẽ phá vỡ sự tê liệt của hệ thống xã hội Pháp - được ông xem là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao, tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên và sự sụt giảm của ngành công nghiệp.

Sau thất bại của nhân vật cánh hữu Nicolas Sarkozy và thành viên Đảng Xã hội François Hollande khi vào Điện Élysée, cử tri Pháp dường như sẵn sàng đón nhận "làn gió mới" Macron, người nhận mình "không thuộc cánh hữu lẫn cánh tả" và là lựa chọn tốt hơn so với ứng viên cực hữu Marine Le Pen. Gần 1 năm sau cuộc bầu cử tổng thống, kỳ trăng mật rõ ràng đã chấm dứt. Tuy nhiên, sẽ là quá sớm nếu nhận định ông Macron đã thua canh bạc cải tổ đất nước.

Kết quả sau cùng sẽ phụ thuộc cách ông xử lý các xung đột đang xảy ra trong xã hội. Chỉ kiên định trước đòi hỏi của người đình công thôi là chưa đủ. Tổng thống Pháp trước tiên cần phải đánh giá lại những chính sách của mình và nhịp độ tiến hành cải cách. Sau đó, ông cần điều chỉnh phong cách cá nhân và phương pháp làm việc: Tin bản thân chắc chắn đúng sẽ không có nghĩa lý gì nếu người dân không thấy thế. Và ngay bây giờ, đó là điều rất nhiều người đang cảm thấy.

Theo NLD