Học sinh tìm đến các “lò” luyện thi để bổ sung kiến thức trước giờ “vượt vũ môn”

Đến “lò”

Đó là câu trả lời mà nhiều em học sinh lớp 12 khi được hỏi vì sao chọn học ở những lò luyện thi mà chúng tôi tiếp xúc sau giờ tan tầm ở các lò luyện thi trên đường Trần Thúc Nhẫn, Phan Đình Phùng, Đống Đa... (TP. Huế). Một số trung tâm bồi dưỡng, ôn luyện thi cho biết, qua mỗi năm, quy chế kỳ thi thay đổi, có nhiều điểm mới đã ảnh hưởng đến số lượng thí sinh đến với “lò” luyện thi, cụ thể giảm đi theo từng năm. Tuy nhiên, vẫn có một lượng thí sinh chủ yếu là học sinh khối 12 trên địa bàn tỉnh “trung thành” với các điểm ôn luyện. “Việc ôn thi ở trường chủ yếu diễn ra vào kỳ 2 của năm lớp 12 trong khi đó tụi em đã theo học ở “lò” luyện thi từ 2-3 năm nay và cũng quen cách ôn của một số thầy ở các trung tâm. Có một số bạn còn thuê giáo viên kèm ngay từ khi vừa đặt chân vào lớp 10” – N. T (một học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Huế) nói về lý do chọn lò luyện thi.

T. cho hay không riêng gì mình mà nhiều bạn bè cùng lớp, khối cũng chọn đến các “lò” luyện thi, bởi ngoài theo học đó từ trước thì chất lượng cũng là vấn đề được lưu tâm. Theo các em, đa số những thầy, cô giáo giảng dạy tại các lò luyện thi rất có tiếng ở các trường đại học, THPT trên địa bàn tỉnh, vừa có thâm niên ôn luyện, giải đề và được các thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước truyền tai nhau. “Ở trường, em cũng được các thầy dành thời gian để ôn tập trắc nghiệm nhưng vẫn không yên tâm nên thăm dò các anh chị đi trước một số thầy cô có tiếng ở các “lò” để tìm đến học” -  H. A (một học sinh 12 cũng trên địa bàn TP. Huế) chia sẻ và cho hay đã theo ôn ở “lò” được gần một năm nay.

Việc chọn đến “lò” đối với nhiều em đơn giản chỉ để học cách giải đề, chủ yếu đề trắc nghiệm. Trao đổi với chúng tôi, một em học sinh đang theo luyện thi ở “lò” luyện trên đường Phan Đình Phùng thừa nhận mình giỏi toán nhưng cũng không dám lơ là. Theo học sinh này, không riêng gì môn toán mà một số môn khác thi trắc nghiệm có nhiều câu hỏi, nếu không làm nhanh kết hợp với phán đoán, loại trừ sẽ không kịp thời gian, hoặc rất dễ xảy ra sai sót.

Online và học nhóm

Đại diện một “lò” luyện thi ở TP. Huế cho biết, lý do mà học sinh vẫn chọn đến với “lò” chính là đội ngũ giảng dạy uy tín và có tiếng từ nhiều năm qua. “Đa số những giáo viên giảng dạy không chỉ có học hàm, học vị cao mà còn nắm bắt được từng thông tin liên quan đến kỳ thi, cập nhật được những phương thức ra đề, giảng dạy rất nhiệt tình. Ngoài ra, một số thầy cô tâm huyết còn tăng giờ dạy mà không lấy thù lao”, người này cho hay. Một phần, học phí ở các lò luyện thi không mấy đắt đỏ, dao động từ 200.000 – 300.000 đồng tùy theo số buổi/môn nên được nhiều học sinh tìm đến. Tiếp xúc với nhiều phụ huynh đưa đón con đến các “lò” luyện thi điều cùng chung tâm lý lo lắng khi được hỏi về chuyện ôn luyện thi của con mình. Vì thế, ngoài học ở trường, chỉ cần nghe chỗ nào có thầy cô ôn luyện tốt cũng tạo điều kiện cho con học.

Không dừng lại ở “lò” luyện thi, nhiều học sinh đã tìm các trang mạng trực tuyến để đăng ký học. Theo chỉ dẫn của nhiều học sinh, không khó để tìm được nhiều trang mạng luyện đề. Tùy trang học sinh có thể phải đăng ký qua mạng để được hướng dẫn vào một đường dẫn, tiến hành làm đề y hệt thi thật trong thời gian 90 phút. Sau đó, nhận đáp án chi tiết kèm sửa bài trực tiếp, hướng dẫn kỹ thuật giải nhanh. Một số học sinh cho rằng, với cách học online này có nhiều điểm lợi như được sử dụng miễn phí kho đề thi thử, tham gia thi thử trên mạng, trao đổi với nhiều bạn bè đồng trang lứa một cách thoải mái... Ưu điểm của hình thức ôn thi này rảnh giờ nào học giờ đó, học mọi lúc mọi nơi chỉ cần điện thoại hay máy tính có kết nối mạng.

Một số học sinh khác tự tạo cho mình nhóm riêng để ôn thi sau giờ học trên trường. Em Lê Minh Thư (12 văn, Trường THPT chuyên Quốc Học) nói rằng đây là phương pháp ôn thi có thể áp dụng được cho tất cả các môn nằm trong chương trình kỳ thi THPT quốc gia. Theo Thư, nếu ôn thi một mình sẽ dễ nhàm chán, khó tương tác kiến thức. Do đó, Thư cùng nhiều bạn bè tạo nhóm để cùng ôn thi vào những giờ rảnh hoặc cuối tuần. Việc học này giúp mỗi cá nhân nhận thấy điểm yếu, mạnh của mình, qua đó để bạn bè góp ý, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong quá trình học chung. “Qua mỗi lần học cùng nhau, tụi em đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm trong các kỹ năng giải đề, sửa đề và chia sẻ kinh nghiệm của từng cá nhân. Việc học này vừa vui, vừa hiệu quả”, Thư lý giải.

Ông Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, về phía sở đã chỉ đạo các trường ôn thi theo tinh thần chung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Riêng các trường cũng có kế hoạch ôn thi thường niên như mọi năm, có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, tăng tiết phụ đạo cho học sinh, tổ chức thi thử.

Bài, ảnh: Nhật Minh