Có khoảng 45-50 thuyền khai thác cát ở mỏ Châu Thành Phát

Vấn đề lập bãi khai thác cát sạn cộng đồng hoặc mô hình tương tự nhằm giúp một bộ phận người dân khai thác trên các sông lâu nay đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, đến nay nhu cầu khai thác của người dân rất cao, trong khi đó các bãi khai thác cộng đồng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.  

Bãi khai thác cộng đồng rất thiếu

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên các sông đã mang lại kết quả đáng kể. Tuy nhiên, một bộ phận người dân hằng ngày mưu sinh bằng nghề này đang đối mặt với “thất nghiệp”, thu nhập khó khăn khi không có chỗ để khai thác.   

Trên sông Hương, khu vực bãi bồi Lương Quán (Thủy Biều, TP. Huế)- nơi có 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác với diện tích mỏ khoảng trên 6ha. Hằng ngày, ngoài những thuyền, sà lan của các đơn vị được cấp phép, có hàng chục thuyền của người dân vào khai thác. Qua tìm hiểu được biết, trong 3 chủ mỏ này, chỉ duy nhất mỏ Châu Thành Phát cho người dân vào khai thác và thu phí, các mỏ còn lại thì không cho vì lý do riêng.

Vừa cùng vợ hút xong 8m3 cát lên thuyền, ông Nguyễn Hùng (trú khu định cư Kim Long, TP. Huế) tức tốc cho thuyền cập bến để trả tiền phí cho chủ mỏ và lấy phiếu xuất kho cho kịp chuyến. Ông Hùng cho biết, công an làm ráo riết nên không thể khai thác cát phía ngoài. “Vào làm ở mỏ cật lực mỗi ngày chạy công khoảng 200 ngàn đồng, thấp hơn so với trước đây. Mặc dù lấy công làm lãi, nhưng còn hơn phải thất nghiệp ở nhà để vợ con đói khổ”- ông Hùng nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Huế (trú Phú Mậu, Phú Vang) cho hay, nhu cầu khai thác của người dân rất lớn nhưng không có chỗ để khai thác nên rất cần một bãi cộng đồng để đắp đổi qua ngày nhưng chưa có; nếu không được chủ mỏ Châu Thành Phát cho vào khai thác thì không biết làm gì.  

Ông Dương Văn Rin, Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát cho biết, từ khi lực lượng chức năng làm căng, người dân không dám hút trộm cát trên sông. Nhiều người gọi điện cho tôi với mong muốn khai thác mỗi ngày một vài chuyến để nuôi sống gia đình. Thấy hoàn cảnh khó khăn nên tôi cho khoảng 45-50 hộ vào khai thác. “Hiện, còn khoảng 50 hộ gọi điện cho tôi đề nghị cho vào khai thác ở mỏ (có đóng phí- PV) nhưng tôi chưa đồng ý, bởi lo ngại khi có quá nhiều phương tiện khai thác sẽ không quản lý nổi, “vỡ trận” sẽ vi phạm lộ giới. Đề nghị UBND tỉnh can thiệp với các chủ mỏ khác để người dân vào khai thác”- ông Rin thông tin.

Đó là trên sông Hương, còn trên các sông khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự- nhu cầu khai thác rất lớn, song bãi khai thác cộng đồng không có, ngoại trừ một mô hình ở phường Hương Vân (TX. Hương Trà) hoạt động tốt mấy năm nay, phục vụ nhu cầu cho khoảng 30- 40 người dân lân cận.  

Tạo điều kiện cho người dân khai thác chính đáng

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300- 350 hộ sống bằng nghề khai thác cát sạn; trong đó, lưu vực sông Hương khoảng 100 hộ chủ yếu sống ở khu định cư Kim Long (TP. Huế), Phú Mậu (Phú Vang), Hương Hồ, Hương Thọ (TX. Hương Trà). Các khu vực còn lại tập trung ở các con sông lớn như sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi… Ngoài mỏ khai thác cộng đồng ở Hương Vân, trên toàn tỉnh chưa có mỏ nào phục vụ nhu cầu khai thác của người dân buộc họ phải xin vào khai thác (thực tế là mua lại- PV) của các chủ mỏ nên giá trị ngày công rất thấp. Đó là chưa kể nhiều chủ mỏ không cho bộ phận này vào khai thác, dẫn đến thất nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu thị trường khai thác rất nhiều nhưng lượng cát mới chỉ đáp ứng 25%. 

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu quan điểm, vấn đề đặt ra ở đây phải giải quyết được bài toán căn cơ là làm sao có cát xây dựng nhưng đảm bảo người dân được khai thác chính đáng. Mô hình khai thác cộng đồng rất tối ưu, tạo điều kiện cho các hộ có phương tiện làm nghề khai thác cát sỏi lòng sông có thu nhập ổn định, tránh tình trạng khai thác trái phép. Các địa phương cần ưu tiên chỗ tốt, thuận lợi để sớm làm bãi khai thác cộng đồng, đáp ứng nhu cầu khai thác chính đáng cho người dân...

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh: 

Cần xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề

Trong vòng 3 tháng gần đây, lực lượng công an đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác cát sạn trái phép trên sông. Cụ thể, đã phát hiện, xử lý 81 vụ/70 đối tượng, xử phạt trên 300 triệu đồng... Được biết, một bộ phận người dân đang đối mặt với khó khăn trong mưu sinh vì không có bãi cộng đồng để khai thác, một số chủ mỏ lại không chấp nhận cho họ vào khai thác. Việc nhanh chóng lập các bãi khai thác cộng đồng tại các địa phương sẽ sớm giải quyết được bài toán mưu sinh cho bộ phận dân cư sống bằng nghề này. Xa hơn nữa, cần xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề cho nhóm đối tượng này.

Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng:

Cần nghiên cứu vật liệu thay thế

Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020, nhu cầu cát xây dựng 1.650- 1.660 ngàn m3/năm; tuy nhiên, năng lực khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 160 ngàn m3/ năm, so với nhu cầu dự báo về cát đến năm 2020 còn thiếu trên 1.500 ngàn m3/năm. Để đáp ứng nhu cầu, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án quy hoạch gồm 24 khu vực cát bãi bồi với khối lượng khai thác hơn 5.200 ngàn m3/năm; cát lòng sông hơn 2.780 ngàn m3/năm, với khối lượng như vậy cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2030 nhu cầu khai thác cát xây dựng của tỉnh sẽ vượt quá năng lực khai thác. Do đó, cần có phương án nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế. Ngoài ra, sở cũng đang quy hoạch hệ thống tập kết cát sỏi ở các sông; sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.  

Thái Sơn (ghi)

Bài, ảnh: Thái Bình